Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Nghệ thuật biểu đạt cây thế cổ Việt Nam





Các thế cây đã định hình đều rất đẹp về hình thể và đều biểu đạt một chủ đề về đạo đức truyền thống của dân tộc.

Xuất xứ là xã hội phong kiến và tác giả là các nhà nho nhưng cây thế cổ Việt Nam không bị áp đặt một cách máy móc tư tưởng phong kiến: thế phụ tử không bị trói vào đạo tam cương, thế mẫu tử không bị trói vào đạo tam tòng, trong phép tắc ngũ luân của phong kiến thì cây thế cổ chỉ có “tứ luân” tức là bốn thế biểu đạt mối bằng hữu chứ không có thế quân thần. Ngược lại, trong phép ngũ luân không đề cập quan hệ mẫu tử và tỷ muội thì trong thế cây thế lại có. Đó là tinh thần trọng nữ của văn hóa gốc Việt, khác tư tưởng phong kiến.
Cây thế cổ Việt Nam mang đầy đủ tính chân, thiện, mỹ. Dầu chủ yếu là truyền miệng qua nhiều đời nhưng bất kỳ ai, ở đâu, lúc nào dựng cây thế cũng theo những quy chuẩn thống nhất như nhau, nhiều người đã gọi là luật. Luật tạo dựng cây thế cổ nói chung và từng thế cây nói riêng rất chặt chẽ, từ rễ, gốc, thân, cành, ngọn đến lá như niêm luật thơ cổ vậy.
Xin lần lượt giới thiệu những quy chuẩn tạo dựng các bộ phận của cây thế cổ Việt Nam.
1. Mâm rễ cây thế cổ:
Gốc cây phải như một cái bệ, các rễ phải to, nổi, rễ nào ra rễ ấy một cách tự nhiên, không để quá nhiêu rễ chồng chất, rối tinh. Bộ rễ lộ căn mới thể hiện là cây cổ thụ vì do lâu đời, cây to, rễ phải lớn, mặt khác mưa nhiều đã rửa trôi đất nên bộ rễ lộ ra và nổi lên cao. Đấy là đỉnh cao của nghệ thuật và kỹ thuật để biểu đạt sự trường thọ và một thế đứng vững vàng. Cây thế mà như một khúc gỗ cắm xuống đất là kém giá trị. Vậy nên việc tạo mâm rễ nghệ thuật là rất quan trọng.
Cây thế cũng như các loại hình cây cảnh nghệ thuật khác được xếp vào các loại đẹp thì ngoài các tiêu chuẩn khác, nhất thiết phải phô một hệ thống rễ nghệ thuật vươn ra hợp lý với từng dáng, thế cây. Cây dáng trực rễ phải tỏa đều quanh gốc và có 4 kiểu sau:
- Kiểu rễ hình hoa thị: gốc cây là trung tâm, từ đó các rễ mọc đều ra xung quanh và bám sát mặt đất tạo cảm giác vững vàng, biểu đạt tinh thần kiên định, thường được coi là kiểu rễ cơ bản dựng cho nhiều thế, rất hợp với các thế như độc trụ kình thiên (một cột độc lập chống trời, biểu tượng người anh hùng có chí lớn) quân tử chính trực (người quân tử ngay thẳng, có đức nhân chân chính)
- Kiểu mâm rễ phân nhánh: Các rễ tỏa đều xung quanh nâng gốc cây cao hơn mặt đất, cuối các rễ phân ra nhiều nhánh nhỏ dích dắc, rậm nhưng không rối tung, nó không những tạo cảm giác vững vàng mà còn thể hiện sự dồi dào sinh lực. Kiểu này hợp với những thế như nghinh phong (đón gió – thể hiện người có nhân cách vững vàng, luôn giữ thế chủ động); ngũ phúc (năm điều tốt lành: giầu, sang, sống lâu, mạnh khỏe và bình yên)….
- Kiểu rễ hình chân nơm: Các rễ tỏa đều xung quanh, nâng hẳn gốc cây lên cao, tạo ấn tượng cây cổ thụ sống giữa vùng mưa xối lũ tràn nên đất bị rửa trôi mạnh rễ cây ngày càng bị trồi lên cao mà cây vẫn vững vàng đứng thẳng, biểu đạt tư chất ung dung tự tại. Kiểu này thích hợp với những cây có dáng dấp thanh mảnh như thế văn nhân (người có học, thường là nhà thơ nhà văn), thế nguyệt đảo (trăng nghiêng – biểu tượng vẻ đẹp thơ mộng của người phụ nữ phong lưu, thanh thản)…
- Kiểu rễ vặn xoắn: Các rễ đứng cao và cuộn tròn xung quanh trục tưởng tượng, thẳng với thân cây như bện thừng chão, thể hiện sự dẻo dai, bền chặt. Kiểu này hợp với các thế như mẫu tử tương thân (mẹ con thương yêu, gắn bó), tỷ muội tương ái (chị em gái nghĩa tình sâu đậm …)
Các dáng xiêu, hoành, huyền cây đổ về một phía nên phải tạo bộ rễ gốc khác cây dáng trực:
- Kiểu rễ lệch hướng: Đa phần bộ rễ nổi phóng trái vế với hướng cây vươn, tức là rễ tập trung nhiều về một bên tạo cảm giác cân bằng vững chãi cho cây, và về mặt thẩm mỹ mới thuận mắt người thưởng ngoạn. Kiểu rễ này biểu đạt sức mạnh tự thân, thắng mọi hoàn cảnh bất hạnh, luôn giữ thế ổn định.
Ngoài bộ rễ gốc, một số cây như sanh, si, đa, đề còn có hệ thống rễ phụ tức là rễ khí sinh phun ra từ thân, cành, có 2 loại như sau:
+ Rễ biến thành thân phụ: Rễ khí sinh phun ra từ thân cây bám xuống đất rồi lớn thành những thân phụ, nhiều khi thân chính ở giữa lũa hết. Các thân phụ bám xung quanh lâu ngày dính liền vào nhau thành một thân, có thể trong rỗng, cây vẫn sống bình thường, biểu đạt sức sống vĩnh cửu, dễ dàng tạo dựng thế thông tâm hữu trạch (Lòng rồng thành nhà – biểu đạt biến rủi thành may); một loại rễ khí sinh buông từ các cành rồi tiếp xuống đất cũng làm thành thân phụ năng đỡ cho các phần tán rộng của cây, biểu đạt sự phát triển, càng vươn rộng, vươn xa, càng vững vàng, loại cây hợp với nhiều kiểu tạo hình, kể cả tạo dựng cây mang hình tượng văn học như “cây cao bóng cả”, “cây đa Tân Trào”…cũng rất đẹp. Loại rễ phụ này tạo nên thưa thoáng mới đẹp.
+ Rễ phụ buông rủ: lớp rễ khí sinh không bao giờ tiếp đất, lúc nào cũng chỉ “lơ thơ tơ liễu buông mành” tạo cảm giác thanh bình, tĩnh lặng.
Cây nào tạo được hai loại rễ phụ trên cũng đều đẹp, đặc biệt là dựng cây thế long cuốn thủy thì không còn gì hơn.
Tạo được một thế cây hay một cây cảnh nghệ thuật tự nhiên có mâm rễ lộ căn và hệ thống rễ phụ như trên đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề và đức kiên nhẫn.

2. Thân cây thế cổ:
* Thân cây phải “gốc bồ ngọn chỉ”:
Gốc phải thật to, ngọn phải thật nhỏ, cây càng lùn càng đẹp. Nhưng thân phải được thu nhỏ dần theo tỉ lệ hợp lý như cây tự nhiên, không cho phép chuyển hai khúc to nhỏ chênh lệch quá rõ. Không nên dựng một cây thế mà có thân “đầu đuôi bằng nhau”. Bởi vậy, người làm cây thế cổ đã phải có kỹ thuật cắt chuyền thân cây qua nhiều năm mới được.
* Cây thế cổ Việt Nam đa phần là dáng trực nhưng không thẳng đuỗn:
Chứng tỏ ông cha ta tự ý thức rõ ràng về phẩm chất của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam: chính trực trung kiên, bất khuất, giữ đạo nhân của người quân tử. Tuy vậy, bất kì thế gì, kể cả thế quân tử chính trực thân cây cũng không được thẳng đuỗn, nhìn đơn điệu, xấu. Về mặt ý nghĩa, thế cây đây là thế người. Một con người tuy được sống trong môi trường thuận lợi đến đâu cũng không phải cứ tự nhiên mà tuồn tuột lên người một cách dễ dàng, nhất định phải gặp trắc trở. Thân cây cũng nói lên ý tưởng đấu tranh. Con đường đấu tranh dù có thăng trầm gập ghềnh khúc khuỷu đến đâu, con người vẫn vươn tới chiến thắng, vẫn “nở ngành sinh ngọn”. Tùy theo mỗi thế mà đường vươn của thân cây được tạo dựng khác nhau. Những cây thế biểu tượng của phái nam, thân cây có đường nét cương nghị, dứt khoát. Những cây biểu tượng của phái nữ, thân cây cần uốn uyển chuyển, dịu dàng. Những thế cây biểu tượng người già, thân cây thường phải cúi xuống như lưng còng. Những cây biểu tượng tình huynh đệ, thân cây to phải như nghiêng xuống dìu dắt, thân cây nhỏ phải ngả vào quấn quýt bám sát cây to. Các cây thế long, thân cây phải uốn lượn bay bướm, mềm mại v.v …Đây là cả một quá trình tạo hình thân cây rất công phu.
* Thân cây thế cổ không được nhẵn thín:
Nhìn xấu và không có vẻ cổ thụ. Thân cây phải thể hiện cái khắc khổ mà vươn lên kiêu hãnh, cái dấu tích đau thương nếm trải của một cuộc đời mà vẫn bất diệt. Như vậy,thân cây phải gồ ghề, u bướu, sần sùi, vặn xoắn, hang hốc, mấu nguyệt (nguyệt là nhát cắt to nhỏ cộng với thời gian dài ngắn mà hình thành nguyệt tỏ hay mờ ảo. Có những nguyệt lâu ngày, vỏ cây đùn ra kín miệng rất đẹp). Vỏ cây nhiều chỗ bị khô và bong mất từng mảng thể hiện cây rất già. Đặc biệt có chỗ thân lũa một phần hay toàn phần chỉ còn chút ít vỏ mà cây vẫn nảy nở xanh tươi, biểu hiện sự bất tử. Vậy nên các tác giả thường phải áp dụng các biện pháp lão hóa thân cây.

3. Cành và ngọn thế cây cổ: Gọi chung là bông tán:
* Số lượng bông tán:
Cành và số ngọn gộp lại để tính số lượng bông tán của một cây. Cành cây chữ Hán là chi, dân ta còn gọi là ngành. Chi hoặc ngành còn có ý nghĩa là các dòng con cháu của ông tổ phân ra. Như vậy cành cây là biểu tượng cho con cháu. Ngọn cây chữ Hán là mạt, nghĩa bóng chỉ sự vươn lên của một gia tộc. Bởi vậy cây không có cành là sự tuyệt tự, cây không có ngọn là sự tuyệt vọng, các cụ không chơi.

“Cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình”.

Không những cây thế phải có cành, có ngọn mà còn được quy định cả số lượng bông tán. Cây không tạo một hoặc hai bông tán mà phải tạo từ ba trở lên vì “nhất chi độc, nhị chi bần, tam chi đa”. Ngoài ra còn phải kiêng số chẵn là số âm. Những cái gì ức chế, đen tối, hướng xuống, thụt lùi, lạnh lẽo, nhu nhược, tiêu cực, yếu đuối, hèn nhát, thiếu thốn, nợ nần...đều thuộc âm. Cây để bông tán rơi vào số âm là gở cho chủ. Những cái gì có tính linh hoạt, hưng phấn, sáng tỏ, nồng nàn, cứng rắn, tích cực, hướng lên, phát triển, mạnh mẽ, hoành tráng, dư thừa...đều thuộc dương. Vì vậy, bông tán cây thế phải để số dương, tức là số lẻ. cụ thể là một cây chỉ được tạo dựng 3, 5, 7 hoặc 9 bông tán. Những con số đó là biểu tượng cho những ước mơ tốt đẹp của con người: tam đa, ngũ phúc, thất hiền, cửu đức; thông thường là dựng 3 và 5 bông tán mỗi cây. Các cây nói chung là 5 còn các cây tử là 3. Thí dụ thế phụ tử thì tạo “con tam đa cha ngũ phúc”. Bởi vì ở Việt Nam số 3 và số 5 được dùng phổ biến trong mọi nơi, mọi việc, như bày lễ 3 quả cau, 3 lá trầu, 5 quả cam, dâng 3 tuần rượu, bái 5 bái, vái 3 vái. Ngày Tết các gia đình bày mâm ngũ quả để thờ, làng hoặc đình chùa xây cổng tam quan, Hà Nội xưa xây 5 cửa ô. Nguyên nhân sâu xa là Việt Nam theo 3 đạo chính (tam giáo đồng nguyên). Đạo nào cũng lấy hai số ấy làm trọng. Đạo Phật là tam quy (quy phật, quy pháp, quy tăng) ngũ giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu, không nói dối). Đạo khổng có tam cương (quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng) ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, chí, tín). Đạo Lão có tam nguyên (Ba vị: Thiên, Địa, Nhân) ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).
Tổng số bông tán không được vượt quá số 9. Một nét văn hóa cổ phương Đông con số 9 là số giới hạn cuối cùng ở mọi sự vật. Trên trời có 9 tầng mây (cửu trùng). Dưới âm phủ có 9 suối (cửu tuyền). Ruột trong bụng con người cũng có 9 khúc, chín chiều “Khi tựa gối, khi cúi đầu, Khi vò chín khúc khi chau đôi mày” (truyện Kiều); “chiều chiều ra đứng ngõ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” (ca dao). Cơ thể con người cũng chỉ có 9 cửa thông với không gian: “Vũ trụ vô biên nhân cửu khổng”(2 lỗ mũi + 2 lỗ tai + 2 con mắt + 1 mồm + 1 đường tiểu tiện + 1 đường đại tiện = 9). Phụ nữ nhiều vía hơn nam giới cũng chỉ là 9 (3 hồn 9 vía). Xưa vua phong phẩm hàm cũng chỉ dừng lại ở cửu phẩm (từ nhất phẩm triều đình đến cửu phẩm ở các làng xã). Trong phép độn giáp cũng chỉ có 9 vì sao (cửu tinh) bày làm chín cung (Thiên phùng, Thiên nhâm, Thiên xung, Thiên bổ, Thiên anh, Thiên cầm, Thiên nhuế, Thiên trụ, Thiên tâm). Công lao của cha mẹ đối với con bằng trời bằng bể, kinh thi cũng quy vào “cửu tự cù lao” (sinh: đẻ, cúc: nâng đỡ, phủ: vỗ về âu yếm, súc: cho bú, cho ăn, trưởng: chăm cho lớn, dục: dạy dỗ và cho học hành, cố: trông mom, phục: che chở, con dại cái mang, phúc: sống để phúc ấm cho con). Quy định phạm vi trong tôn ty nội tộc để gắn bó, cúng giỗ cũng chỉ có 9 đời (cửu tộc) bao gồm 4 đời trên là cao, tằng, tổ, phụ (kỵ, cụ, ông, cha), đời thứ 5 là chính mình, bốn đời dưới mình là tử, tôn, tàng tôn và huyền tôn (con, cháu, chắt, chút). Vậy nên mới có tục “Ngũ đại mai thần chủ”, nghĩa là cứ đời thứ 5 trên mình thì đốt bài vị thờ kỵ đi rồi chuyển dịch các bài vị dưới lên một bậc, lúc nào cũng chỉ có bài vị bốn đời trên mình để thờ làm giỗ hàng năm. Còn từ đời thứ 5 trở lên mỗi khi cúng mới thỉnh chung…
Tất cả nói lên người xưa coi số 9 là số của trời, hình như có gì thần kì trong đó. Cây thế cổ có luật chơi nghiêm ngặt và người chơi cây thế thường có hiểu biết rộng nên không thể bất chấp cả trời.

* Tên gọi các bông tán:
Ta đã biết, cây thế cổ chỉ được dựng 3, 5, 7, 9 bông tán. Vậy 5 bông tán (4 cành 1 ngọn) là trung bình lại dễ bố trí cành chia đủ 4 mặt nên đạt được cái đẹp cân đối. Về ý nghĩa 5 bông tán biểu tượng cho ngũ phúc. Ông cha ta gọi tên các bông tán như sau:
- Cành đầu tiên là cành hồi âm, có giá trị tạo cảm giác cho phần gốc có hậu, vững trãi, ấm cúng. Hồi âm nghĩa là đền đáp lại phía âm. Cây vươn lên hướng dương (trời) nhưng không quên hướng âm (đất), nơi cội nguồn đã sinh ra mình và nuôi mình. Cũng như con người, nơi ấy chính là quê hương đất nước, là họ tộc là cha mẹ đẻ đầy nghĩa tình sâu nặng, ta cần biết báo đáp ơn nghĩa.
- Tiếp đến là cành tế thân – đối phía với cành hồi âm, tạo cho bố cục cân đối. Tế nghĩa là trợ giúp, thân là thân cây (thân phụ, thân mẫu). Cành là con, thân là bố mẹ đẻ. Con phải thương yêu bố mẹ, gắn bó máu thịt với bố mẹ, luôn đem đến sự ấm áp, chu toàn để cho thân phụ, thân mẫu khỏi bị trơ trọi, trống trải và hở lạnh. Đó là đạo lý cao đẹp của người con có hiếu.
- Trên là hai cành tả và cành hữu, bố trí đối phía nhau, vuông góc với hai cành dưới. Như vậy là có đủ bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc tạo thế cân bằng, góp phần cho bố cục tổng thể chặt chẽ, chỉnh thể, đầy đủ, không bị khuyết trống. Tả hữu nghĩa đen là bên trái bên phải, nghĩa ẩn là có anh có em, có nam có nữ (nam tả, nữ hữu), “Đông có Tây, mây có sao”, “tả phù, hữu bật”.
Thật là một nhà đầy đủ, có sức mạnh, tình nghĩa ấm cúng, thế vững vàng, sống sung sướng và hạnh phúc.
Các cành đều sửa thành bông tán tròn, phẳng, đầy đặn như mâm xôi. Trong tâm thức của người Việt, sự vuông tròn và đầy đặn luôn là hình ảnh của những ước vọng tốt đẹp.
Riêng hai thế hạc lập và phượng vũ, cành tế thân đưa lên trên hai cành tả hữu và gọi là cành hầu hay cành ức, tượng trưng cho yết hầu của chim.
- Trên cùng là ngọn vẫn tồn tại và giữ vai trò hướng đạo như nhà có nóc, như các con có cha. Cha luôn dìu dắt giáo dục con cái nên người. Ngọn được tạo thành hình búp tròn như nụ sen đang hé nở và gọi tên bông ngọn là quả phúc. Ông bà ta coi trên là có trời, có thần thánh, tiên tổ nên cổ ngọn không được chọc thẳng lên mà phải vặn xoắn một chút. Mặt khác ngọn bao giờ cũng phải hướng về gốc và nếu một thế có từ hai cây trở lên thì ngọn của các cây đều phải hướng vào nhau.
4. Lá cây thế cổ:
Theo người xưa truyền lại thì lá cây thế cũng phải nhằm biểu đạt tư tưởng của con người. Vậy nên lá phải đạt được những yêu cầu sau:
* Cây thế nhất thiết phải có lá:
Trong quá trình tạo bông tán, có lúc nghệ nhân phải cắt tỉa cây thật đau để cành, nhánh nảy dăm mạnh hoặc bứt hết lá để mầm non toàn cây nhú đều cùng một lúc cho đẹp và để cây thay bộ lá mới nhỏ hơn.
Đấy là một trong các biện pháp kỹ thuật làm cây thế. Ngoài ra, không kể tới những cây mùa đông trút hết lá, trơ toàn cọng. Còn đã gọi là cây thế để trang trí và thưởng ngoạn thì nhất thiết phải có lá. Thậm chí lá còn dày đặc, tạo nên những bông tán tròn, đầy. Lá cây thế là biểu đạt cho sự sống và sức phát triển của cây, cũng tức là con người. Nếu cành cây chỉ phơi cọng trụi thui lủi thì khác gì một cây chết. Nếu chưa chết thì cũng là một cây cực suy, hết thời kỳ phát lộc rồi. Một cây không có lá, giống hệt cây chết như vậy đặt trước nhà có khác gì một biểu tượng của câu tục ngữ đáng buồn: “Cây khô không lộc, người độc không con” vận vào nhà mình.
* Lá cây thế càng nhỏ càng đẹp và càng có giá trị tư tưởng cao:
Cây thế phải là cây cổ thụ thu nhỏ. Cây cổ thụ tất phải cằn cỗi. Bởi vì mầu mỡ của đất trong phạm vi cây vươn rễ ăn lâu ngày nên đã cạn kiệt. Đường dẫn nhựa sống để nuôi lá cũng bị hạn chế tới mức tối đa vì cả thân gỗ và vỏ cây đều bị khô cằn, bong, nứt. Tất nhiên lá phải nhỏ. Lá càng nhỏ thể hiện cây càng cổ thụ. Cây cổ thụ là biểu đạt cho ước vọng sống lâu của con người. Từ xưa, người ta coi chữ thọ là đứng đầu trong ngũ phúc: “Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ, nhân sinh ngũ phúc thọ vi tiên” (câu đối cổ). Nghĩa là trời có bốn mùa, mùa xuân đứng đầu, người ta sống có năm điều phúc (phú, quý, thọ, khang, ninh) thì thọ là sung sướng nhất.
Thật vậy một con người, một gia đình, một đất nước có tuổi thọ cao tất con người ấy, gia đình ấy, nhân dân nước ấy phải có một cuộc sống toàn diện. Một chi tiết lá nhỏ của cây thế cũng góp tiếng nói về nhân sinh sâu sắc.
* Lá cây thế cằn nhưng không được có biểu hiện tàn lụi:
Lá nhỏ nhưng mặt lá vẫn phẳng, màu lá vẫn xanh. Đấy là sức sống khỏe, cuộc sống tươi tắn và sự tiềm ẩn cái phúc đức của một gia đình:

“Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.
(Ca dao)

Lá cong co, vàng vọt là điểm sự héo tàn nên người xưa kiêng không chơi.
Giữa hệ thống lá già, cây thế cần phải có điểm xuyết chồi lộc báo hiệu niềm vui, hạnh phúc dồi dào.
Tóm lại mỗi cây thế đều có một chủ đề tư tưởng riêng, ngoài ra còn phải thể hiện được một ý tưởng chung bao trùm mọi thế cây là sự nối tiếp truyền thống của các thế hệ:
- Gốc rễ là cội nguồn tiên tổ, là nền nhân cốt nghĩa của gia tộc nên phải nổi lên bề thế và vững vàng bám đất.
- Thân cây là biểu trưng cha mẹ, thế hệ chuyển tiếp nên đường đi không bao giờ thẳng tuột mà phải có những bước ngoặt bởi đã vượt qua cam go, bất trắc. Mặt khác, thân cây không được nhẵn thín, trái lại đầy dấu tích của sự nếm trải nhưng vẫn vươn lên kiêu hãnh và nở ngành sinh ngọn. Đó là nhân cách của cha mẹ.
- Hệ thống cành là biểu trưng con cháu nên không được đơn bạc, khuyết trống, chi trên không đè chi dưới, các chi không được tranh giành, chen lấn nhau mà phải biết nhường nhịn. Đó là đạo lý làm người của thế hệ con cháu.
- Ngọn là quả phúc mà các thế hệ đã vươn tới một cách mãn nguyện. Ngọn phải hướng về cội nguồn, biết ơn cội nguồn.
- Lá cây thế là sức sống, sức phát triển của gia đình nên không được héo hon, úa vàng, tàn lụi mà phải là lá xanh chồi biếc đầy hứa hẹn, rực sáng tương lai.
Thưởng ngoạn cây thế như vậy, trong lòng ta rung lên một xúc cảm sung sướng: mạch nguồn trường tồn xuân sắc của gia đình ta, họ tộc ta, quê hương ta và đất nước ta mãi mãi phát triển, mãi mãi thịnh vượng.
Cho nên người Việt Nam ta chơi cây thế là phải có gốc rễ, có thân, có cành, có ngọn. Gốc rễ và thân không nổi bật là không có truyền thống, không có cành là tuyệt tự, không có ngọn là tuyệt vong. Rồi ngọn mà chọc thẳng lên trời là phạm tội bất kính. Những ý tưởng mà ông cha ta gửi gắm vào cây cảnh thật là sâu sắc.
(- Sưu tầm -)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét