Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Yêu chơi đỡ buồn!


Tôi thỉnh thoảng lại phải ngồi nhẫn nại nghe từ đầu tới cuối một câu chuyện tình. Người kể chuyện tình thường buồn, hoặc buồn cười, nhưng tựu trung là không có hậu. Sau một tình yêu thường là những cảm xúc rất phức tạp:
Với con gái, chia tay không phải là chỉ mất đi một người con trai và một mối tình.
Nếu bạn vẫn còn chờ đợi một tin nhắn của anh ấy: Thật ngây thơ, chứng tỏ bạn vẫn muốn tin rằng, sau tình yêu là tình bạn.
Nếu bạn ghen tuông cáu kỉnh khi bắt gặp bức ảnh người cũ vui vẻ bên bạn bè mới, đồng nghiệp thân, cô gái lạ: Thật mâu thuẫn, thâm tâm bạn muốn anh ấy phải buồn khổ đau đớn, thế mà bạn muốn anh ấy phải luôn cầu chúc điều may mắn hạnh phúc chóng đến với bạn?
Nếu bạn hãnh diện và kiêu ngạo vì nhanh chóng có bồ mới hay ho hơn người cũ: Thế hóa ra anh người cũ chỉ là “giai đoạn quá độ” trong lúc bạn chưa kiếm ra anh nào tử tế? Thế nếu bạn cũng chỉ là “giai đoạn quá độ” của anh bồ mới mà thôi, thì sao?
Nếu bạn thấy buồn nhưng luôn cầu chúc anh ấy hạnh phúc với những lựa chọn mới: Thực ra bạn đã yêu rất nhiều! Nhiều hơn tất cả những gì bạn đã được nhận!
Nên, đừng buồn. Những đóa hoa cô đơn sẽ nở với mùi hương quyến rũ nhất.
Còn con trai, thường sẽ kết thúc tình yêu bằng cách đi một mình tới quán nhậu mà chiến hữu hẹn, hay đi một mình tới quán cà phê, quán ăn, rạp chiếu phim, chuyến đi chơi mà bạn bè thân hò hẹn. Chàng sẽ đi một mình như thế cho tới lúc, có cô nàng nào đó từ một ngày nào đó lúc cúc đi theo chàng tới mọi chốn. Y như cô người yêu cũ.
Mọi việc thật là đơn giản và ít nhầm lẫn. Nếu sau lúc chia tay, người con trai vẫn còn mân mê chiếc điện thoại chờ tin nhắn hay nhắn tin cho cô bạn cũ, chứng tỏ anh chàng này có vấn đề trong tim hoặc trong đầu óc. Anh quá lụy tình hoặc anh đang mất thăng bằng trong cuộc sống.
Nên, chia tay người yêu thì phải vui lên nào chàng trai. Hãy xóa số di động của cô ấy, và cho những kỷ vật tình yêu vào thùng các-tông mang đem cho ai đó! Bởi đơn giản, một ngày nào đó, có thể tất cả những thứ ấy sẽ làm tổn thương người con gái yêu bạn mai đây, biết không!
Thậm chí, kể cả như thế đi chăng nữa, thì hiếm gì những cuộc giận hờn chia tay, gián đoạn tình yêu trong suốt cả cuộc đời trăm năm và cuộc tình kéo dài gần tám mươi năm ấy? Nếu bạn không học nổi cách chia tay bình yên và tôn trọng nhau, liệu bạn có còn cơ hội để quay trở lại với nhau?Chúng ta chỉ cần đủ mười tám tuổi và đủ mơ mộng, nghĩa là đủ trưởng thành về thể chất và xúc cảm là có thể bước vào tình yêu, nhưng chúng ta buộc phải điềm đạm và lý trí, tức là trưởng thành về tinh thần để chia tay tình yêu. Chia tay là một học phần bắt buộc để ta có được tấm bằng tình yêu. Vì rất đơn giản là, tôi chưa từng được gặp một người nào mà từ bé đến lớn chỉ quen một người, chỉ yêu một người, rồi sống với người ấy đến đầu bạc răng long!
Tôi thậm chí từng chia tay chồng một lần trong một cuộc li hôn đầy thị phi ở nhiều năm về trước. Thế nhưng chúng tôi đều không từng xúc phạm nhau dù chỉ một câu nói nào. Thậm chí chưa từng làm bất cứ điều gì gây khó khăn cho những mối quan hệ xã hội khác của người kia. Và những lúc khó khăn nhất, vẫn xuất hiện để giúp đỡ nếu có thể. Đó chính là lý do mà chúng tôi quay trở lại dưới một mái nhà, và cuộc chia tay đầy thị phi (từ đám đông xung quanh) vẫn là một kỷ niệm đẹp đẽ trong quá khứ. Để có thể nhìn vào đó mà quyết định sẽ sống tiếp trong tương lai như thế nào.


Tôi biết có những vết thương tình yêu không bao giờ hàn gắn được. Có một cô gái đã chia tay người chồng chưa cưới chỉ vì một câu nói sng của anh ấy. Cũng có một bạn trẻ nói với tôi rằng, sự lừa dối của cô người yêu cũ mãi mãi là vết thương sâu sắc trong tim, đến mức trở nên nghi ngờ “bọn con gái”!
Tôi chỉ nghĩ rằng, sau lúc chia tay, đúng sai buồn vui gì, hãy để cho tình yêu cũ ngủ yên, được không? Nếu không thể sống tốt với nhau tiếp, thì chí ít, đừng khơi lên mãi những thứ tồi tệ trong quá khứ! Hãy nghĩ ta đã từng yêu, nhưng nếu không có kết quả, thì cũng hãy coi như một lần yêu chơi đỡ buồn!
Vì khi ấy, chúng ta đã vui sướng hạnh phúc biết bao nhiêu!
Trang Hạ
2013

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

MỘT THỨ TỰ DO HOANG DẠI


VƯƠNG TRÍ NHÀN

 
Lần đầu lên Đà Lạt, tôi được nghe kể là người Pháp trước kia đề ra những quy chế rất gắt gao cho việc xây dựng các biệt thự ở đây. Ví dụ, phải có diện tích đất bao nhiêu mới được làm nhà; còn về kiểu cách, trong khi bắt buộc mỗi nhà phải khác các nhà chung quanh (để tạo cảm giác độc đáo), thì anh lại vẫn phải kết hợp với cảnh quan sẵn có một cách nhịp nhàng.
Nhìn Đà Lạt hồi trước, ai cũng thấy là không chỉ có nhiều nhà đẹp mà thú vị hơn là cả một thành phố đẹp.

Còn như các khu phố mới được xây dựng ở Hà nội những năm bung ra hoàn toán ngược lại

Được biết là trong xây dựng đã có rất nhiều quy định chung chung, nhưng những quy định quan trọng nhất liên quan đến việc đóng góp của ngôi nhà vào vẻ đẹp của thành phố lại không có, bởi không ai có ý niệm gì về vấn đề này.
Không thiếu nhà đẹp, từng cái rất đẹp, nhưng toàn bộ lại xấu.

Ở Hà Nội hiện nay có những căn nhà chiều ngang mỏng dính, rồi những căn nhà học đòi kiểu cách nước ngoài trông thật kỳ cục, đến mức một nhà báo đã phải trương lên cái tiêu đề cho một bài báo: Eo ôi Hà Nội phố! (nhại tên bài hát Em ơi Hà Nội phố! của Phú Quang).

Hỏi các chủ nhà thì cái câu trả lời thường nhận được là: “Nhưng mà tôi thích vậy”. Quá lên một chút nữa, người ta lại giở giọng “Tùy tôi muốn sống thế nào thì sống, không ai được dí mũi vào việc riêng của tôi cả”.
Vừa phóng xe vừa hút thuốc. Vào rạp chiếu phim vẫn nói điện thoại di động oang oang. Phô bày những cái xấu xa ngay giữa nơi công cộng. Xả rác ngay dưới chân cái bàn ngồi ăn. Đánh vợ chửi con ầm ĩ hàng xóm láng giềng. Ấy là chưa kể làm hàng giả làm hàng kém phẩm chất, quảng cáo bịp bợm, ăn cắp ăn cướp ăn xin ...Ấy là chưa kể -- với những người có quyền lực -- việc cho ra những quyết định trái luật pháp rành rành vẫn diễn ra hàng ngày. Khi làm những việc đó trong thâm tâm con người thường âm thầm tự hào vì một thứ tự do hoang dại thấm đẫm trong mạch máu mình. Nói cách khác, những vic đó đều xuất phát từ quan niệm về một thứ tự do hoang dại mà chúng ta thừa hưởng từ lịch sử và chưa bao giờ đặt vấn đề về nó một cách nghiêm túc.


Cái khác của người thời nay so với thời xưa là làm những trò ngang ngược một cách cố ý. Chẳng hạn, người ta viện dẫn cái gì chưa có luật cấm thì cứ làm. Đến lúc có luật cấm - như chuyện hút thuốc thời nay - thì lại bảo quen nết rồi bỏ sao nổi.


Nay cũng là thời trong đầu óc những người tôn sùng tự do hoang dại luôn có sẵn một mớ lý sự để sẵn sàng bảo vệ cho cách sống của mình.

Họ sục vào một hai cuốn triết học xã hội học nửa mùa nào đó, nhặt ra vài câu có lợi cho cách hiểu về cái gọi là tự do của mình để biện hộ.
Nghe vừa thấy có lý, vừa như một sự ngụy biện thế nào đó!
Để cãi lại, tôi cũng đành trở lại với sách vở .


Sơ bộ tôi thấy ngay ở những cuốn phổ thông nhất, người ta cũng đã ghi cái ý tự do là không bị ràng buộc gì hết, tự do là để con người làm theo ý muốn.

Chỉ có điều nếu đọc kỹ hơn thì thấy khi bàn về tự do, các nhà xã hội học đã lưu ý ngay là không được đẩy nó lên cực đoan.
Thứ nhất, do con người sống trong xã hội nên cái đi kèm với tự do là sự kiểm soát xã hội. Tự do của người này không thể cản trở tự do của người khác. Nói “điều kiện đầu tiên để có tự do là tự do phải bị hạn chế” là với nghĩa đó.
Thứ hai, tự do ở đây phải có tính nhân văn, với nghĩa con người chỉ có quyền tự do để sống cận nhân tình hơn, tốt đẹp hơn chứ không phải để hư hỏng, xấu xa đi.

Theo một nhà triết học Trung Quốc cận đại là Lương Khải Siêu ( 1873-1929) , thứ tự do bừa bãi kia nên gọi là tự do hoang dại, và đó là dấu hiệu của một xã hội phát triển thấp.

Thời Trung Hoa còn thuộc nhà Thanh ông và các đồng sự như Nghiêm Phục đã băn khoăn mãi khi tìm một chữ gì trong tiếng Hán để tương ứng với chữ liberty trong tiếng Anh.
Tính toán hồi lâu các ông đành dùng chữ tự do.
Theo nghĩa đen, tự do nghĩa là từ mình mà ra đồng thời là trở về với mình.
Nhưng mà con người ta phải là cái gì trí tuệ, hiểu biết, tự làm chủ được mình, thì mới có quyền trở về mình chứ? Để cho thứ tự do hoang dại kia lôi cuốn là làm rối loạn xã hội! Chính vì hiểu thế, Lương thấy cần tiếp tục cái ý tưởng mà các nhà tư tưởng hàng đầu của Nho giáo đã khởi xướng , theo đó các nhà quản lý xã hội không chỉ thân dân, gần gũi dân mà còn phải tân dân, làm cho dân ngày một tốt hơn. Chính là sách Đại học -- một trong những cuốn sách cái của đạo Nho -- đã mở đầu bằng câu "Đại học chi đạo tại minh minh đức tại tân dân".

Xem vậy đủ thấy không những là câu đầu miệng của người bình thường, tự do còn thu hút không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà triết học.

Như tên gọi của nó đã chỉ rõ, Bàn về tự do của John Stuard Mill in năm 1859 là cuốn sách kinh điển viết về khái niệm này, ở đó tác giả bàn kỹ về ý nghĩa xã hội của tự do như tự do tư tưởng, tự do về đời sống tinh thần. Những ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề phải có quyền tồn tại ngang nhau, không ai được lấy cớ gì để ngăn cấm.
Những khía cạnh mà ông học giả người Anh bàn từ thế kỷ trước cũng đang thành chuyện thời sự ở ta.
Cái khó là ở chỗ trong khi thứ tự do theo nghĩa thiêng liêng đang là chuyện mỗi người hiểu một cách và phải gỡ dần dần, thì ý niệm tự do theo nghĩa phàm tục lại chiếm lĩnh tâm trí nhiều người.

Tầm thường dung tục trong quan niệm và học đòi những cái nhố nhăng trong hành động --những hành xử kiểu đó kéo người ta thấp xuống. Nó chỉ làm cho một xã hội trở nên nhộn nhạo và hàm chứa đầy tai vạ, chứ không thể góp phần thiết lập trật tự là điều kiện chủ yếu để một cộng đồng tiến bộ.

Tự do hoang dại không thể được coi là dấu hiệu của một nhân tính tốt đẹp nào hết.
Nó đóng vai trò một thứ van xì hơi, giúp người ta xả bớt những bức xúc trong lòng nhưng lại làm lãng quên cái quyền tự do cơ bản là tự do nâng cao chất nhân văn trong mỗi con người để mở đường đi tới xã hội văn minh.


(In lần đầu trên TBKTSG 30/9/2010.
)
Bản trên mạng này có kèm theo một số sửa chữa và bổ sung.


Viết thêm 19-4-2013

1/ Lòng khao khát tự do hoang dại của người Việt ngày trước biểu hiện thấp thoáng trong những "tuyên bố" bất cần đời, chẳng coi việc đời là gì: Thứ nhất quận công thứ nhì ỉa đồng.
Còn ngày nay đại khái ở mấy việc kiểu như đòi hỏi hãy cho nhập ô-tô xe máy thật thoải mái bất chấp việc tỉ lệ đường xá trên một đầu người thuộc loại thấp nhất thế giới. Hoặc những lời la hét, nhân danh tự do cư trú, đòi không được hạn chế người nông thôn lên nhập cư ở đô thị.


2/ Trong cuốn hồi ký của mình, Nguyễn Hiến Lê sớm ghi lại cái tình trạng sau 4-1975, dân chúng quanh khu ông ở bắt đầu ra chiếm vỉa hè buôn bán loạn xị và vứt cả rác ra đường.

Trước đó, tôi cũng thường được nghe Tô Hoài nói tương tự.
Nhiều lần đi trên các đường phố Hà Nội cống rãnh bẩn thỉu ngập ngụa trước nhà, ông bảo với tôi rằng ngày xưa mà để thế này thì đội sếp Tây nó phạt chết.
Nghĩa là chính ở xã hội ta hôm nay, thứ tự do này mới có dịp nẩy nở...hết cỡ.


3/ Đây cũng là tình trạng người ta thấy ở nước Nga sau 1917.

Bác sĩ Zhivago trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của Boris Pasternak (1890-1960 )có lần nói với bạn gái :

“Cô thử nghĩ xem, cái thời đại chúng ta thật là lạ lùng. Và cô với tôi đang phải sống trong đó. Thật ngàn năm một thuở mới lại xẩy ra những chuyện điên rồ như thế này. Cô có thấy cả nước Nga như mất nóc: Tôi và cô, tất cả những người như chúng ta đang sống ngoài trời. Không còn ai kiểm soát chúng ta. Tự do! Đúng là tự do thực chứ không phải những lời rỗng tuếch, nhưng đó là một thứ tự do ngoài mọi sự chờ đợi của chúng ta, tự do vì tình cờ, vì ngộ nhận”.

Tôi ngờ rằng nếu nhìn mãi về thời sau nữa, ở đây tác giả sẽ viết thêm " … tự do vô chính phủ, tự do làm khổ nhau, hành hạ nhau".
Hóa ra ở đâu cũng thế!
Từ đây lại mang máng cảm thấy rằng không chừng càng những nước không có thứ tự do cao cả tự do có ý nghĩa nhân văn, thì tự do hoang dại càng phát triển.
Chuyên chế thường tự che đậy bằng mị dân.
Mà cách mị dân ít tốn kém nhất là thả cho dân dông dài, hoặc nói như một thuật ngữ kinh tế hay dùng gần đây, là kích hoạt vào thói tự do hoang dại của người dân. Người dân càng hư hỏng thì người ta càng tìm thêm một chút có lý cần thiết cho mọi hành động chuyên chế của mình. Rồi cái đích cuối cùng là làm thịt dân cũng vì thế mà trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.


4/Từ những biến thiên kiểu ấy, nay nước Nga rơi vào tình cảnh thế nào?

Có hai chi tiết đáng nhớ nhất từ các bài báo mà rải rác tôi đã đọc.
Một là về các vùng quê, thấy rất nhiều người đàn ông say rượu, có khi tất cả đàn ông trong làng say rượu. Còn đàn bà thì dạy nhau để làm sao bán được thân mình với giá cao cho những người giầu có.
Và thứ hai, nếu ngày xưa, các phương tiện truyền thông chuyên môn đóng vai giảng đạo thì nay ngược lại. Xem ti-vi, dân không phải nghe đậy bảo là hãy sống như thế này thế nọ nữa. Trong khi tha hồ lê lết trong cực khổ, giờ đây, họ toàn được nghe những điều họ muốn nghe, những lời nịnh nọt rằng nước Nga thuộc loại cường quốc dắt dẫn thế giới, người dân Nga đang sống cực kỳ hạnh phúc.

Người đi chợ




Nguyễn Ngọc Tư
Năm trước đưa thằng nhỏ đầu lòng thẳng vô lớp một chỉ tốn chai rượu nhập khẩu màu hổ phách, năm nay nhà trường nhận chuẩn quốc gia nên phải lót đường năm triệu cho con nhỏ em qua cỗng. Nói gì xa, góp tiền cúng đình cũng phải tăng gấp đôi coi mới được. Thằng em học đại học Mỹ thuật xong rồi, giờ ngồi vẽ bảng hiệu, xui nó ra mở quầy bán chữ nhiều tiền hơn, ai cũng muốn treo mấy chữ Tài Lộc trong nhà. Đá Bạc bị đem bán cho tư nhân làm du lịch rồi, họ sẽ san núi bạt rừng trồng mấy con rồng xi măng lên, sơn màu hàng mã cho coi. Vườn chùa ngoại thành đang bán mấy chỗ nằm đẹp, nhà có người già nên mua để sẵn, sau này biết đâu không còn đất.
Những câu chuyện bán mua rời rạc này chúng ta vẫn thường nhặt nhạnh từ buổi ăn vặt, cuộc cà phê hay trong lúc chờ xe rời bến. Cái giọng điệu của người góp chuyện cũng bình thản như cảm giác của người nghe. Dù hàng hóa trong những cuộc mua đi bán lại đó không phải mấy món thông dụng kiểu như gạo, rau, hay nắm xôi, cái áo. Bất cứ gì cũng là hàng hóa, lạ gì. Sống trong tâm thế của một kẻ đi chợ, và cả nước là một cái chợ khổng lồ, hàng họ đa dạng đến mức mua gì cũng có, kể cả mua thần bán thánh, chức tước, trinh tiết, thận người… chúng ta bớt bỡ ngỡ đi. Giống như câu mà trẻ con hay đùa, “trước còn mắc cỡ giờ đỡ nhiều rồi”. Người ta có thể mua dặm dài bờ biển để làm khu nghỉ dưỡng, mua một vùng đất để khai khoáng, mua cả dòng sông làm thủy điện, thậm chí biết đâu còn mua lại được mạng sống từ cái án tử hình...
Dừng lại vài phút ở chương trình tiêu dùng chán ngắt của truyền hình địa phương, thấy được lý do vì sao nó chán ngắt. Người xem bây giờ đâu chỉ quan tâm tới giá vàng thế giới, và mặt hàng thiết yếu đâu chỉ gạo với xăng. Họ rất muốn biết giá của bằng tiến sĩ, vị trí kế toán của một sở cấp tỉnh hay phó phòng cấp huyện… để mà nuôi nấng những giấc mơ, thứ giấc mơ mà chỉ cần đủ tiền sẽ thành sự thật. Sống chết cùng cái chợ khổng lồ này, ít nhiều chúng ta cũng thắc mắc giá thành thật sự của một công trình xây dựng trụ sở sau những rơi rụng, con đường nhập nhoạng trở về thành phố của một cô giáo vùng sâu, hay cánh cửa phía sau của cuộc đề bạt cán bộ…
Đôi lần chúng ta thấy giật mình, vô lý một chút, “Ủa, chỉ vì muốn con mình học ở cái trường tử tế, sao mình lại lọt vô chợ này ?” Trong cái không khí ngờm ngợp mặc cả, cái chợ mấy chục triệu người tồn tại bằng những điều vô lý cỏn con như vậy cộng lại. Cỏn con như vài thứ giấy tờ tùy thân sai, một bữa nọ rảnh rỗi muốn đi làm lại bỗng một người hỏi muốn nhanh lẹ không, mua thời gian đi, cũng rẻ. Cỏn con như chạy vào đường một chiều, anh cảnh sát ngoắc lại, nói anh cũng bán làm ngơ. Cỏn con như vào viện nằm, chị hộ lý bảo muốn chị cười thì phải mua. Vậy là thành người đi chợ. Lơ vơ vậy mà chuyên nghiệp lúc nào không hay. Không phải chỗ nào cũng trưng bày sáng loáng cũng treo bẹo cũng cất giọng rao ngọt lịm ai mua hong, cuộc bán chác đôi khi chỉ là cái nháy mát, cái bắt tay lặng lẽ, cùng với những thầm thì.
Không giống như cái chợ má hay ngồi bán mớ ngò gai, rau cần hái được trong vườn nhà để mua lại dầu hôi nước mắm, như một cuộc trao đổi cho nhau những gì mình có. Trong cái chợ hình chữ S buổi tranh tối tranh sáng này, có một thứ trật tự riêng của nó. Không phải ai cũng có cơ hội để bán mua. Chịu khó nghiêng ngó chút sẽ thấy có những đám người vào chợ phiên chẳng mua bán gì. Trôi dạt ra từ con sông đã bán làm thủy điện, từ cánh rừng đã bạt phẳng để đào quặng, từ vạt đồng sắp trở thành sân golf sang trọng bậc nhất nhì (của cái gì không cần biết, cứ nhất nhì là sướng)… Ngồi thành chùm thành bầy suốt phiên này đến phiên khác, họ xác nhận lại cái sự vô hình của mình là có thật.
Họ buồn. Cái buồn gần như không giải tỏa được. Nỗi buồn kiểu đó thường sinh ra vài tình cảm tiêu cực như muốn chết, không thì uất ức giận dữ, muốn đập phá. Chính quyền không sợ vì nghĩ vô hình thì làm được gì mà lo. Ai mà nghĩ đám đông buồn phiền ấy từng làm nên bao nhiêu cuộc cách mạng động trời, chỉ vì muốn được người ta nhìn thấy.

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Người Dệt Tầm Gai



Chúng mình ở hai miền
Ngày nào em cũng khóc...

Anh yêu của em ơi
Em yêu anh điên cuồng
Yêu đến tan cả em
Ào tung kí ức
Ngày dài hơn mùa
Em mong mỏi
Em (có lúc) như một tội đồ nông nổi


... Em nghe thấy nhịp cánh êm ái ân
Một làn gió thổi sương thao thác
Đêm run theo tiếng nấc
Về đi anh!
Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh
Đưa em vào giấc ngủ nồng nàn, quên đi những đêm chập chờn trĩu nặng
Ngày nối ngày bằng hi vọng
Em là người dệt tầm gai...
Em nhẫn nại chắt chiu từng niềm vui
Nhưng lại gặp rất nhiều nỗi khổ
Truân chuyên đè lên thanh thản
Ôi, sự trái ngược - những sợi tầm gai!
Không kỳ vọng những điều quá lớn lao
Em lặng lẽ dệt hạnh phúc từ nỗi buồn - những sợi tầm gai - không ai nhìn thấy
Gai tầm gai đâm em đau đớn
Em chờ anh mãi...
Tưởng chừng không vượt nổi cái lạnh, em đã khóc trên hai bàn tay trầy xước


Những giọt tâm hồn thấm xót mười ngón tay rớm máu
Ngay cả khi anh làm em buồn thảng thốt
Em vẫn hướng về anh bằng tình yêu trọn vẹn của mình

Dệt tầm gai đến bao giờ
Mỗi ngày dài hơn một mùa
Dệt tầm gai đến bao giờ?


Về đi anh,
Cài then những ngón tay trầy xước của em bằng Anh.


Vi Thùy Linh

Hiện tượng Vi Thùy Linh





Sinh ngày 4 tháng 4 (1)
    
 Vi Thùy Linh, nhà thơ nữ trẻ có lẽ là đáng kể nhất trên văn đàn Việt Nam hiện nay sinh ngày 4 tháng 4 năm 1980. Ngày ấy là ngày thế nào?
     Đấy là ngày: đổ sang nhau những ăn năn bất cẩn, trong sạch vấy bẩn, ý nghĩa vô bổ, cạn kiệt lấp đầy, tuyệt vọng và ngộ nhận, đoàn tụ và lưu lạc, trấn tĩnh và hoảng loạn. Đấy là ngày có một tình yêu phi thường của những Định mệnh khác thường.
     Vi Thùy Linh đã viết về ngày sinh của mình một cách siêu thực, đẹp đẽ và rất nên thơ như thế. Thực ra, ngày 4 tháng 4 năm ấy cũng chỉ là một ngày bình thường như ti tỉ ngày bình thường khác. Trên thực tế, thế hệ của Vi Thùy Linh là một thế hệ được sinh ra trong hoàn cảnh rất thảm hại: phụ huynh của họ lúc đó phần lớn đều đang sống trong tình trạng vô cùng nhọc nhằn, khốn khó, thậm chí còn nhọc nhằn, khốn khó hơn cả thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Hãy giở lại lịch sử Việt Nam trong thời điểm chết giẫm đó: chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, chế độ bao cấp đang vào lúc khủng hoảng trầm trọng: tiền hết, gạo không, ngân sách quốc gia trống rỗng. Tôi còn nhớ ở một trường phổ thông trung học nơi tôi đến ở: giáo viên không có lương, các thầy cô giáo đã phải xin hợp tác xã cấp ruộng cấy lúa lấy gạo ăn, hai cô giáo mới có một cái quần lụa lành lặn để thay nhau mặc mỗi khi lên lớp. Trong các công sở, người ta phải phân phối chia nhau từng bao thuốc lá, từng đôi pin đèn, từng chiếc lốp xe đạp...
     Thế hệ của Vi Thùy Linh đến tuổi trưởng thành lớn lên trong điều kiện khác hẳn: xã hội đổi thay từng ngày, từng giờ, Việt Nam đang hội nhập cùng thế giới. Đa số đều được sống trong nhung lụa, trong những tiện nghi sinh hoạt xịn hoặc như xịn, họ có nhiều cơ hội lựa chọn. Họ không có những ký ức giống như các thế hệ cha anh họ, họ không đói cái đói vật chất, tôi đói như một con hắc tinh tinh, tôi đói như một con vật ở địa ngục (Con gái thủy thần).
     Nhưng thôi! Cái gì qua là qua! Chúng ta hãy đi sâu vào thế giới tâm hồn của lứa tuổi 20 hôm nay mà Vi Thùy Linh là một đại diện đáng kể nhất, thậm chí còn là nguy hiểm nhất. Vì sao vậy? Vì gì thì gì, Vi Thùy Linh đang là một thi sĩ nổi danh, đang là một nàng Jan Da trong thế giới hình nhi thượng của văn học nước nhà.

Này gương kia ta muốn biết trí tuệ của ta?
Thưa cô, cô thông minh hơn nhiều, so với tuổi.
Gương ơi, bây giờ trông ta ra sao?
Cô già hơn nhiều, so với tuổi
Sao đêm nỡ chan trăng vào tận chỗ ta ngồi?

(Thằn lằn trắng)
 



Dấu vết
     Thế hệ tuổi 20 yêu dấu của Vi Thùy Linh đa phần lớn lên trong những nhà trẻ mẫu giáo ăn cám lợn của các chương trình lương thực quốc tế tài trợ (PAM, FAO...), cha mẹ họ đang mải miết lao vào cuộc mưu sống kiếm tiền như điên (cả nước bấy giờ là một thương trường!). Những đứa trẻ cô đơn được các cô nuôi dạy hổ huấn luyện, thiếu sự chăm sóc thường xuyên của bố mẹ: trên mái nhà bên trái, một con chim sẻ lẫm chẫm giữa những viên ngói vỡ. Có phải tôi đấy không? Tôi đã nói chuyện nhiều với những đứa trẻ như thế và nhận ra chúng thường hay cáu kỉnh kinh khủng. Đến tuổi 20 đôi khi chúng vẫn còn không thôi cáu kỉnh:

Bố
Mặt trời nóng nực và ồn ã
Con muốn gần... lại sợ... tan ra...
Mẹ
Mặt trăng xa
Con ngần ngại cận kề
Con
Vì sao lạc giữa
Lớn lên và sáng bằng nước mắt...

(Những đối lập)

     Tôi vừa sợ vừa thương sự ví von các quan hệ trong một gia đình như các hành tinh trong vũ trụ, oách thì oách thật nhưng thật xa vời! Tôi thích cảnh mẹ con quấn quýt như thế này hơn:

- Ví dù con phụng bay qua
Mẹ nói con gà, con cũng nói theo.

- Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lùa cá xương.

- Có vàng, vàng chẳng hay phô
Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe...

(Ca dao)

     Sự cô đơn, bị bỏ rơi trong những dấu vết số phận ở thơ Vi Thùy Linh rất rõ: Vi Thùy Linh luôn luôn nhạy cảm với sự bỏ rơi. Tôi có lần nghe Nguyễn Việt Hà (tác giả tiểu thuyết Cơ hội của Chúa) khen câu thơ anh đẩy em bằng mắt là một câu thơ rất tình tứ. Thực ra câu thơ này ở trong một văn cảnh thật đau lòng, chẳng tình tứ chút nào:

Chỉ còn phía anh thôi
Em không nhớ đã tìm gặp anh bao lần, bất kể khi nắng còn hay tắt
Để rồi đêm nay
Em cay đắng quay về khi anh đẩy em bằng mắt.

     Cô gái (gọi bằng thi sĩ cũng được vì cô gái nào ở tuổi 20 chả là thi sĩ, cứ gì Vi Thùy Linh) nhận ra cú đẩy bằng mắt của gã bạc tình trong đêm, vậy thì sự nhận ra đó là ở trong lòng chứ đâu phải ở quan sát hiện thực. Đây là cú đẩy đi chứ không phải cú đẩy lại.
 
Em không nhớ đã thả đi bao nỗi buồn bằng tóc rụng
Tóc mỗi năm một mỏng
Bóng chèn nhau
vỡ
Lòng em
vỡ
Em lầm lũi lại đến trước nhà anh nhặt xác nỗi buồn đốt lên thành lửa
Rồi đi
Sau lưng em ngày nắng tắt.
(Từ phía ngày nắng tắt)

     Những đứa trẻ có thời thơ ấu cô đơn với những mặc cảm âm thầm trong lòng bước vào đời, yêu, bị các tay phàm phản bội như chơi, đau lòng rồi tự tử như bỡn. Họ không biết ái tình là thứ rất nguy hiểm:
     - Ái tình là một bạo chúa không nương tay cho ai cả. (Corneille)
     - Ái tình là một con quỷ, không có thiên thần nào xấu hơn ái tình... ái tình là khói sinh ra bởi nghẹn ngào. (Sêcxpia)
     - Ái tình! ái tình! Khi ngươi nắm lấy ta, người ta có thể nói: vĩnh biệt khôn ngoan! ái tình, ngươi đã làm mất thành Troie! (La Fontaine)
     v.v... và v.v...
     Sự lựa chọn trong tình yêu quan trọng vô cùng. Tôi đã nói chuyện với một giáo viên phổ thông trung học về chuyện giáo dục giới tính. Theo anh, giáo dục giới tính chỉ nên làm với khu vực nữ sinh vì với đối tượng này còn có khả năng giáo dục được chứ còn với nam sinh thì chịu, vô phương, bất khả tri, hoàn toàn không thể làm được, chúng bừa bãi vô cùng, có làm cũng chỉ bằng thừa, toi cơm! Tôi cảm thấy ý kiến này có lý. Thơ Vi Thùy Linh đầy rẫy những phiền muộn vì bị phụ bạc, vì bị thiếu kinh nghiệm lựa chọn:

Tôi nói với người đàn ông đầu tiên tôi yêu:
Em có thể chết, nếu bị anh phản bội.
Khi bị phản bội
Tôi giằng chiếc nhẫn anh tặng khỏi tay mình.
Người đàn ông thứ hai dịu dàng và trong suốt
Tôi thiếu nữ bé nhỏ rón rén bước vườn yêu
Sửng sốt và ngưỡng vọng...
Bỗng nhiên
Anh thay đổi...
Nhưng tại sao tại sao tại sao...

(Sự im lặng)

      Còn tại sao nữa? Vì đời là thế, ái tình là thế. Cô chẳng hiểu gì, kẻ phản bội cũng là người tốt, có điều người ta không dám hy sinh... Người ta không dám hy sinh vì tôi là phải. Tôi là đứa con gái xấu xí, phải không nào? (Con gái thủy thần). Cần phải nhìn nhận sự phụ bạc trong tình cảm cũng như hai mặt của một vấn đề như sự chung thủy trong tình cảm vậy.
    Kẻ tình nhân trong thơ Vi Thùy Linh là một tên Sở Khanh rất đáng kể, siêu phàm:
 
Em làm sao có thể thanh thản khi những hạt nước bung ra từ những nhát quét kia cũng mang ánh mắt anh...
Em dồn hết sức bình sinh, cầu điều lành cho anh mãi mãi...
Tiếng hát da diết của anh là nguồn tinh chất đổ vào em...
Chất ngất tôn giáo...
Tên anh thành tượng thanh của tín niệm...
Em nghe anh mà cứ ngỡ anh ôm em trong lòng đêm
Sự tưởng tượng vô biên chọc thủng thế giới
Cứ thế, anh trong em...

(Linh)
 
     Lord Byron thật chí lý: ái tình của một người đàn bà chiếm toàn thể đời sống của họ.
     Tagore minh triết hơn: ái tình là ý nghĩa tuyệt đỉnh của cái gì bao quanh chúng ta. Nó không phải tình cảm đơn giản mà là chân lý, là hoan lạc tận cùng của sáng tạo.
     Rilke thì từng trải: ái tình là cơ hội duy nhất để già dặn.
     Còn Faulkner lại khinh bạc: Điều buồn thảm trong ái tình là chẳng những ái tình phù du mà các thất vọng nó tạo ra cũng chóng quên.
     Dấu vết tình yêu trong thơ Vi Thùy Linh chi chít. Không thể không nhận ra Vi Thùy Linh là một nhà thơ tình, một nhà thơ tội nghiệp luôn bị phụ tình.
     Ai phụ tình? Ai tình phụ?
     Có lẽ trước hết đó là dư luận.
 




Thiếu phụ 20 tuổi
     Tôi đọc Vi Thùy Linh, hết sức ngạc nhiên vì những cảm xúc thèm có con, những cảm xúc về tình mẫu tử dày đặc. Có lẽ đây là trường hợp độc nhất vô nhị trong thơ Việt Nam hiện đại.

Con ơi... con ơi
Không biết bao lần, mẹ đặt tay lên bụng, gọi con
Mẹ khao khát mang con, mặt trời đang phôi thai trong mẹ
Con đang ở đâu
Hãy theo tình yêu của cha, đậu vào lòng mẹ...

Sẽ đến lúc, nhìn con, mẹ lại ngỡ đó là chồng của mẹ...

     Thật buồn cười cho thiếu phụ 20 tuổi! Vi Thùy Linh cho đến bây giờ vẫn là một đứa bé con!

Có lúc, vì tham vọng sự nghiệp, mẹ ngại có con
Nhưng rồi qua bao nổi nênh
Mẹ mới hiểu, con rất cần cho mẹ...
Vi Thùy Linh đến 20 tuổi vẫn chỉ là bà mẹ của búp bê:
Mẹ ôm búp bê, cho búp bê bú tí
Chỉ có một búp bê con gái, mẹ chỉ quấn thêm hai cái khăn để có hai con trai
Mẹ luôn được làm công chúa, cô dâu...

(Những mặt trời đang phôi thai)

     Nhiều người nói với tôi rằng Vi Thùy Linh là biểu tượng sex trong thơ. Tôi không thấy thế. Vi Thùy Linh là một biểu tượng trong trắng chứ, nhưng thật tội nghiệp, lẫn lộn trong tâm hồn Vi Thùy Linh có rất nhiều mặc cảm: đây là một thiếu nữ từng bị một nền giáo dục sai lầm (của gia đình, của nhà trường, của xã hội) làm hại, xâm hại. Ngay cả việc học tập làm thơ của Vi Thùy Linh có lẽ cũng có phần sai lầm. Tôi hiểu tại sao Vi Thùy Linh chỉ làm thơ tự do mà từ chối các thể thơ có niêm luật. Thực ra, đây là một cách đi tắt đón đầu của các nhà thơ nông nổi. Một nhà thơ phải được giáo dục thế nào? Bằng kinh nghiệm riêng tôi, trên cơ sở quan sát những kinh nghiệm của các nhà thơ cổ điển (khái niệm nhà thơ ở đây nên hiểu như một khái niệm mở rộng) thì việc giáo dục ấy phải được tiến hành y như việc nuôi dưỡng một hài nhi, một cách giáo dục nguyên thủy cổ truyền từng bước một chứ không nên đi tắt đón đầu vội vã. Thi sĩ phải được giáo dục chặt chẽ từ việc học tập tục ngữ, ca dao, học tập các nhà thơ, các nhà tư tưởng nguyên thủy. Lần theo từng bước các nhà thơ, các nhà tư tưởng trong nền văn học sử nước nhà và thế giới, đi lại con đường của họ (cổ, trung, cận và hiện đại), thậm chí phải học tập, nắm vững tất cả những niêm luật thơ chủ yếu nhất (ở nước ta là các thể thơ 4 chữ, 7 chữ, lục bát, song thất lục bát v.v...). Không phải việc từ chối các niêm luật đã là tự do. Việc nắm vững các kỹ năng và niêm luật thơ chính là một cách rèn luyện để có được tư duy tao nhã và hành vi ứng xử với thơ (nói trắng phớ ra là học lễ) cũng chính là hành vi ứng xử với cuộc đời và xã hội. Giữa hình thức và nội dung thơ sẽ có cả một mối liên quan chặt chẽ với nhau, tác động từng tí một, dần dần, không nên đốt cháy giai đoạn (y phục xứng kỳ đức). Thơ tự do ở ta ra đời với các thể chế và tiết chế thơ độc đoán, được sáng tạo bởi các thi sĩ hay sốt ruột, ít học, nóng nảy. Thơ tự do ở ta bắt đầu từ quần chúng, kiểu lũ chúng ta bọn người tứ xứ, rõ ràng tự do thật, rằng hay thì thật là hay nhưng cũng sẽ có những mặt trái của nó khi nó được dịp lên ngôi. Khi hình thức (thơ) bình dân được tư tưởng (thơ) bình dân nhân lên nhiều lần theo cấp số nhân (giống như cơm bình dân, nhà nghỉ bình dân) thì tình trạng cả nước làm thơ, thiếu vắng một đẳng cấp ngoại hạng, thượng lưu thì đấy là một bi kịch, một sự cay đắng vô cùng cho văn học.
     Thơ, đấy là đạo đức, là văn hóa, là xã hội.
     Vi Thùy Linh là một hiện tượng thơ Việt Nam. ở trường hợp này đã bộc lộ rất nhiều những điều nên bàn cãi về thơ, về đạo đức, về văn hóa và về xã hội Việt Nam.

 




Thẫn thờ sắp xếp lại mình
      Trong bài tự kiểm điểm nhan đề Tôi và 365 ngày sóng (in trong Thể thao văn hóa số Xuân 2002) Vi Thùy Linh bộc bạch một tâm trạng mệt mỏi: Bây giờ tôi không còn là rừng lửa nữa (tức là đã qua giai đoạn mà Nguyễn Trọng Tạo miêu tả là nữ thi sĩ trẻ tuổi trên con ngựa chữ dậy thì, đã độc mã phi thẳng vào rừng rậm thi ca và khát)... Tôi yếu hẳn đi. Tôi sống trong tình trạng thiếu máu và huyết áp thấp. Hay lo nghĩ và mệt mỏi, mỗi bữa tôi chỉ ăn được một bát cơm, phải uống nhiều thuốc. Tóc có sợi bạc v.v....
     Chỉ mới ăn một đòn giáng đầu tiên của dư luận miệng thế gian, như làn sóng bể đã làm cho con ngựa chữ dậy thì sụp đổ thì cũng đáng buồn! Con đường văn học là cả một chặng đường dài dằng dặc, vinh nhục đủ điều. Nó cũng chính là chặng đường đời rất nhiều gian khó trầm luân. Các nhà thơ trẻ phải ý thức được sự nghiệp của mình nếu như họ muốn dấn thân vào hội đoạn trường đó để mà biết cách bền gan tu chí. Chẳng có chữ nào bầu nên nhà thơ. Đấy chỉ là những lời có cánh hết sức hão huyền. Thơ không phải sự nghiệp. Tôi đã nhiều lần nói thế. Sự nghiệp là cái gì? Thật là vớ vẩn. Hãy sống đi, xây dựng cho mình một giá trị tinh thần và vật chất có thực rồi sự nghiệp nó sẽ đến theo.
     Trong một bài trả lời phỏng vấn, Vi Thùy Linh có nói ước muốn được dấn thân vào văn học, sẽ làm thơ, viết tiểu thuyết. Rõ ràng, đấy là một ý định lành mạnh. Nhưng muốn thế, không thể chỉ ăn một bát cơm, uống nhiều thuốc là có sức lực đi tự dấn thân vào văn học. Với tuổi 20 yêu dấu Vi Thùy Linh và các bạn thơ trẻ khác hoàn toàn biết mình phải tự làm gì.
 
Tôi nhảy hoang dại trong cái muốn
Và vọt lên tóm cái sừng bò treo lơ lửng giữa trời, ngậm chặt và cắn
(Bất cứ lúc nào em cũng thích vọt như thế)
Chúng tôi không chấp nhận sự hành hạ của không gian..
.
(Một ngày chưa có trong sự thật)

     Ngày lên ngôi vị thơ của Vi Thùy Linh chưa có trong sự thật. Mong rằng ngày ấy sẽ đến. Nhưng nó sẽ đến dần dần.
     Vi Thùy Linh đang thẫn thờ sắp xếp lại mình. Đừng thẫn thờ nữa mà phải nhanh nhẹn sắp xếp lại mình. Cuộc đời còn ở phía trước. ở tuổi 20 thì những nổi nênh chỉ là trò cười dưới mắt những người từng trải.
     Vi Thùy Linh là một hiện tượng trong thơ Việt Nam. Cũng là một tiếng thơ lạ. Vi Thùy Linh mới chỉ bắt đầu đi những bước đầu tiên trên con đường thơ truân chuyên gian khó của mình. Phía trước là bầu trời... ở đấy có vinh quang, có hiểm họa. Hãy tin ngày mai trong sự ngây ngất. Cũng chẳng cần thông minh hơn nhiều, so với tuổi. Cũng chẳng cần già hơn nhiều, so với tuổi. Dư luận cũng nên rộng lòng dù giả tạo, cá sấu còn biết khóc. Còn hơn những kẻ vô tâm. Những nhà thơ trẻ rất cần sự nâng đỡ về tinh thần, tình cảm, cần sự chỉ dẫn của những người đi trước.
     Bài viết này như một cử chỉ cho thấy không phải dư luận lãng quên Vi Thùy Linh.
     Tôi chẳng thể hiến tặng gì ngoài ánh hào quang tăm tối ấy... (2) . (*)
 
29/4/2003
 


(1) Đề mục và các câu thơ trong bài viết đều lấy lại từ tập Linh (Thơ của Vi Thùy Linh, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000)
(2) Dịch từ thơ Aragông. Đây là câu kết trong truyện ngắn Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt viết về một vị thánh bị bôi bẩn (nhà thơ Nguyễn Bính) của tác giả.
(*) Đã in tạp chí Sinh viên, tạp chí Văn hiến.

   

Over The Love (The Great Gatsby OST) - Florence & The Machine






LỜI BÀI HÁT

Ever since I was a child
I've tuned it all in my mind
I sang by the piano
Tore my yellow dress and
Cried and cried and cried
And I don't wanna see what I've seen
To undo what has been done
Turn off all the lights
Let the morning come, come
Now there's green light in my eyes
And my lover on my mind
And I sing from the piano
Tear my yellow dress and
Cry and cry and cry
Over the love of you
On this champagne-drunken home
Against the current of old
Everybody see I love him
Cause it's the feeling that you get
When the afternoon is set
On the bridge into the city
And I don't wanna see what I've seen
To undo what has been done
Turn off all the lights
Let the morning come
There's green light in my eyes
And my lover on my mind
And I sing from the piano
Tear my yellow dress and
Cry and cry and cry
Cause you're a hard soul to save
With an ocean in the way
But I'll get around it
I'll get around it
Cause you're a hard soul to save
With an ocean in the way
But I'll get around it
I'll get around it
There's green light in my eyes
And my lover on my mind
And I sing from the piano
Tear my yellow dress and
Cry and cry and cry and
Over the love of you
Cry and cry and cry and
Over the love of you
Cry and cry and cry and
Over the love of you
I can see the green light
I can see it in your eyes
I can see the green light
I can see it in your eyes

Từ khi em vẫn còn là một đứa trẻ
Em đã định sẵn nhịp điệu trong đầu
Em ngồi hát bên cây dương cầm
Xé nát bộ váy đầm vàng và
Khóc và khóc và khóc mãi


Em không muốn phải thấy điều đã chứng kiến
Phải xóa đi những việc đã được làm
Tắt hết đi mọi ánh đèn
Hãy để ngày mai tươi mới tỏa sáng, tỏa sáng


Ánh sáng xanh rực lên trong mắt em
Với bóng dáng người tình trong tâm trí
Em cất tiếng hát từ chiếc dương cầm
Xé toạt chiếc váy đầm vàng và
Khóc và khóc và khóc mãi
Đã chết rồi tình yêu với người




Trong ngôi nhà ngập say sâm banh
Trôi ngược dòng thời gian xưa kia
Mọi người đều biết em yêu anh
Vì đó là cảm xúc đơn thuần
Khi ngày đã xế ánh chiều tà
Trên cây cầu dẫn vào thành phố




Em không muốn phải thấy điều đã chứng kiến
Phải xóa đi những việc đã được làm
Tắt hết đi mọi ánh đèn
Hãy để ngày mai tươi mới tỏa sáng




Ánh sáng xanh rực lên trong mắt em
Với bóng dáng người tình trong tâm trí
Em cất tiếng hát từ chiếc dương cầm
Xé toạt chiếc váy đầm vàng và
Khóc và khóc và khóc mãi




Vì anh là một linh hồn khó mà cứu vãn
Với đại dương rộng lớn chắn đường
Nhưng em sẽ vòng qua hết
Em sẽ vượt qua tất
Vì anh là một linh hồn khó mà cứu vãn
Với đại dương rộng lớn chắn đường
Nhưng em sẽ vòng qua hết
Em sẽ vượt qua tất


Ánh sáng xanh rực lên trong mắt em
Với bóng dáng người tình trong tâm trí
Em cất tiếng hát từ chiếc dương cầm
Xé toạt chiếc váy đầm vàng và
Khóc và khóc và khóc mãi
Đã chết rồi tình yêu với người


Khóc và khóc và khóc mãi
Đã chết rồi tình yêu với người
Khóc và khóc và khóc mãi
Đã chết rồi tình yêu với người


Em có thể thấy ánh sáng xanh
Em có thể thấy rõ trong mắt anh
Em có thể thấy ánh sáng xanh
Em có thể thấy rõ trong mắt anh

ĐÊM THÁNG TƯ HOA LOA KÈN VẪN NỞ





Có những kỉ niệm đổ về như lốc xoáy
Cuốn ta trôi trong nỗi nhớ rát bỏng thịt da
Đêm tháng tư…
Mưa đầu mùa rỉ rả
Hoa loa kèn em cắm nở tình ta.

Những lá chè  qua một chặng đường xa
Ủ thương nhớ  trên màu xanh thắm đậm
Gốm bát tràng vẫn còn  in ánh mắt
Em thẹn thùng e ấp nụ hôn trao.

Có lẽ chúng mình đã mãi bên nhau
Nhưng em lại cần mt bờ vai vững chải
Anh cũng chỉ là một lãng tử trắng tay
Nên nào  có thể trao cho em một đời hạnh phúc.

Anh vẫn là anh với từng đêm mộng mị
Hoa Loa kèn vẫn nở đẹp trong mơ
Gốm bát tràng anh trồng từng cây nhớ
Lá vẫn xanh tình đậm như lá chè xanh.

Em vẫn đi tìm hạnh phúc mong manh
Giăng tơ trong bóng tối lọc lừa hư ảo
Thơ vẫn rơi trong nỗi buồn áo não
Đến bao giờ mới tìm được bờ vai?

Đêm  tháng tư…
Mưa lại rơi rỉ rả
Kỉ niệm đổ về nỗi nhớ cuồng quay
Sợi tơ tình ngày xưa đứt gãy
Em bây giờ có tìm được bờ vai?

Rồi sẽ có một ngày em sẽ hiểu
Có bờ vai nào vững chãi hơn vai em!

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Chỉ cần được thấy người cười vui






Chỉ cần được thấy người cười vui
là những khổ đau trong tim cũng sẽ gắng gượng cười…

Ta đã có tháng ngày sống như hạt sương

hạnh phúc mà không cần ai nhìn ngắm
những nỗi buồn (nếu có) đều được điểm tâm bằng môi hôn nồng ấm
mỗi ngày là một giấc mơ…

Chưa một lần chúng ta ngã giá với cuộc đời ngoài kia

yêu thương với những gì mình có được
chỉ ao ước lo toan cho một tình yêu giản dị nhất
được khóc, được cười…cùng nhau!

Nhưng ngoài kia mưa nắng cũng có niềm đau

ngoài kia một chiếc lá rơi cũng đòi quyền ấm cúng
ngoài kia một tiếng thở dài cũng thành sấm chớp vang trong lồng ngực
ngoài kia chỉ toàn là mất mát…
cho những ai muốn sống đến tận cùng…

Người bước qua ngưỡng cửa và nói lời cảm ơn

- Cảm ơn một lần gặp nhau dù không thể bước cạnh nhau mãi mãi
- Cảm ơn một cái nắm tay mà hơi ấm kia sẽ không bao giờ trở lại
- Cảm ơn nụ hôn mà lần duy nhất trong đời được tìm thấy chính mình nơi đấy
- Cảm ơn những giọt nước mắt được khóc vì niềm vui…

Người mang theo hết những hi vọng còn sót lại trong cuộc đời

tiếng Cảm ơn ấy giản đơn mà như từng vết cứa
ta đâu cần Cảm ơn vì tình yêu đó chưa bao giờ là chọn lựa
khi chúng ta sống là để cho nhau…

Có biết bao cuộc đời cần hạnh phúc để thấu hiểu khổ đau

nhưng tại sao người lại sống cho điều ngược lại
tại sao lại bất chấp bản thân mình cho quãng đời còn xa mãi
khi người biết không ai thay thế được chúng ta!

Người buông tay để chấp nhận những xót xa

thử hỏi làm sao thấy cuộc sống còn ý nghĩa
thử hỏi làm sao ta mỉm cười dù ngàn lần muốn thế
cho những lần gặp lại nhau trong đời…

Chỉ cần được thấy người cười vui

là những khổ đau trong tim cũng sẽ gắng gượng cười…
(ta chỉ biết lừa dối mình bằng suy nghĩ của một người chỉ còn lại đơn côi! )
Nguyễn Phong Việt



“Nếu đó đúng là định mệnh thì những ai yêu nhau lại sẽ về bên nhau”.

Hãnh diện về 11 người Việt hải ngoại...


image

Phó Thủ Tướng Đức: Philipp Roesler

image

Philipp Roesler 38 tuổi, sinh tại Khánh Hưng (tỉnh Ba Xuyên - nay là Sóc Trăng). Khi được 9 tháng tuổi, cậu bé mồ côi người Việt này được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi và đưa sang Đức. Năm 4 tuổi, bố mẹ nuôi của ông ly dị và ông được cha là một sĩ quan quân đội nuôi dưỡng. Ông kết hôn với vợ là Wiebke là bác sĩ, 31 tuổi và có hai con gái Grietje và Gesche, sinh đôi vào năm 2008.

Philipp Roesler đã trở thành người gốc Việt thành đạt nhất thế giới khi nắm giữ cương vị Chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử của Đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đảng trong liên minh cầm quyền của nữ Thủ tướng Angela Merkel.

Năm 2000, Rösler trở thành thư ký của FDP tại tiểu bang Niedersachsen.
Tháng 4 năm 2008, Rösler chính thức trở thành chủ tịch FDP tại Niedersachsen.
Tháng 6.2007, tại hội nghị bên liên bang đảng FDP, Rösler được tái bầu làm thành viên của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 8.10.2009, ông trở thành Bộ trưởng liên bang trẻ nhất nước Đức và cũng như là người gốc Việt đầu tiên làm bộ trưởng tại một quốc gia Châu Âu.

Ngày 13.5.2011, ông Philipp Rösler đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do (FDP) đồng thời giữ chức Phó thủ tướng của đất nước này.


James H. Nguyễn – Thần đồng y khoa gốc Việt



James H. Nguyễn, 28 tuổi đã được nhận giải thưởng cao quý năm 2011 dành cho các cựu học sinh xuất sắc do Liên đoàn Các trường Cao đẳng Cộng đồng của tiểu bang California, Hoa Kỳ ngày 19/11, hiện đang là bác sĩ chuyên khoa tim tại bệnh viện University Medical Center (UMC). Mới đây, anh đã được khắc tên vào Bảng Vàng Danh dự Đại Học Santa Ana năm 2011.

H. Nguyễn đã tốt nghiệp hạng danh dự với bằng cao đẳng môn sinh vật học năm 1998 khi chỉ mới 14 tuổi.
Năm 2009, bác sĩ gốc Việt này vượt qua 420 thuyết trình viên đến từ những bệnh viện hàng đầu của Mỹ để giành quán quân với nghiên cứu so sánh phương pháp chụp quang tuyến đa chiều.
Được biết, gia đình James H. Nguyễn định cư tại thành phố Garden Grove (Mỹ) vào giữa thập kỷ 1970.
Anh từng theo học chương trình bác sĩ nội trú kéo dài 3 năm tại Khoa Nội (Department of Internal Medicine) thuộc bệnh viện Orlando Regional Medical Center.
GS Nguyễn Hùng tranh giải 'Người Australia của năm 2012'
 
image 
 
Ngày 20.5 vừa qua, nhà phát minh nổi tiếng người Úc gốc Việt, GS.TS Nguyễn Hùng vừa được chọn làm nhân vật đại diện cho tiểu bang New South Wales tranh giải "Người Australia của năm 2012”. Theo nguồn tin từ báo chí Úc, việc công bố kết quả chính thức cho danh hiệu này sẽ diễn ra vào ngày 26.1.2012.
GS.TS Nguyễn Hùng hiện đang cư trú ở Castle Hill, và là Phó trưởng khoa Kỹ thuật & Công nghệ thông tin tại trường Đại học Công nghệ Sydney (gọi tắt UTS)
20 năm qua, ông được mệnh danh là "Thầy của những phát minh” vì đã có khá nhiều sáng chế về y khoa hết sức hữu ích, tiện dụng cho các bệnh nhân.
Ông có rất nhiều phát minh, sáng chế khác đang trong quá trình nghiên cứu và sẽ trở thành những ứng dụng mới trong xã hội như: thiết bị phát hiện sớm ung thư vú, thiết bị giúp con người điều khiển các thiết bị điện tử bằng các tín hiệu của bộ não...
Tuy nhiên, đỉnh cao nhất trong các phát minh của ông Nguyễn Hùng là xe lăn thông minh, tạo ra cuộc cách mạng trong sinh hoạt của những người bị liệt. Nó có chức năng như một robot tự động kết hợp với điều khiển bằng ý nghĩ con người.
Tạp chí Anthill của Australia đã từng xếp phát minh này vào hạng ba trong số 100 phát minh hàng đầu của nước này.



GS Trịnh Xuân Thuận nhận giải Kalinga của UNESCO


 
 
Ngày 5.11.2011, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã trao giải thưởng Kalinga cho giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc tại Diễn đàn khoa học thế giới ở thủ đô Budapest của Hungary. Kalinga là giải thưởng thường niên dành cho những người có công phổ biến kiến thức khoa học tới công chúng.


UNESCO đánh giá: "Trịnh Xuân Thuận là nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới, người từng phát hiện thiên hà trẻ nhất vào năm 2004. Ông đã viết hơn 200 bài báo khoa học về các thiên hà và xuất bản nhiều cuốn sách. Trong số những tác phẩm của ông có một cuốn sách minh họa lịch sử của Vụ nổ lớn (Big Bang) khai sinh ra vũ trụ".


Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông có sở thích về nghiên cứu thiên văn khi còn nhỏ. Năm 1967 đến 1970, ông học tại Viện Công nghệ California; năm 1970 đến 1974, học ở Đại học Princeton. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton và giảng dạy vật lý thiên văn tại Đại học Virginia từ năm 1976 tới nay.

Ông cũng từng làm việc cho Viện Vật lý thiên văn Paris và là một trong những người sáng lập Hiệp hội Khoa học và Tôn giáo quốc tế.
 
 
Nguyễn Tường Khang 12 tuổi được mời thỉnh giảng tại trường đại học
 
 
image
Nguyễn Tường Khang và ban giám khảo tại cuộc thi thuyết trình hồi năm 2010
 
Cậu bé gốc Việt Nguyễn Tường Khang, 12 tuổi, vừa được trường đại học ở bang Virginia mời làm giáo viên thỉnh giảng, thuyết giảng môn thuyết trình mỗi tuần 4 giờ. Được biết, mỗi giờ thuyết giảng, Khang được trả 250 USD (khoảng 5 triệu VNĐ). Thông tin về thần đồng nhí gốc Việt này lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các website thế giới.

Nguyễn Tường Khang sinh ngày 31.2.1999, đang học lớp 6 trường tiểu học Hunters Woods ở Fairfax. Cậu bé khi mới 8 tuổi đã được bố cho học về diễn thuyết trước công chúng tại Câu lạc bộ diễn giả trẻ (YSC).


Tại cuộc thi tài năng diễn thuyết tổ chức vào năm 2010 với chủ đề giáo dục dành cho lứa tuổi từ 11 đến 19, do Hiệp hội Thăng tiến cho Người da màu bảo trợ và được tổ chức tại thành phố Suffolk (Virginia), Nguyễn Tường Khang đã giành chiến thắng với bài thuyết trình “Hòa bình có ý nghĩa thế nào với tôi”.

Tuy nhiên cậu bé lại nổi danh nhất với bài hùng biện về giáo dục. Những ý tưởng của Tường Khang được coi là đánh giá bổ sung vào bài phát biểu về giáo dục của Tổng thống Obama, đồng thời truyền đạt cho các bậc phụ huynh nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của giáo dục.
Bên cạnh việc học hùng biện, thần đồng 12 tuổi này còn biết chơi đàn violon, cờ vua và đặc biệt rất giỏi võ.


 
Dzung T. Bui: Người Việt thành công nhất tại tập đoàn IBM

image 
 
Ông Dzung T. Bùi (Bùi Tiến Dũng) hiện là Phó Chủ tịch phụ trách nhóm điều hành kinh doanh toàn cầu và là người Việt thành công nhất tại tập đoàn máy tính IBM.

IBM (International Business Machines) là một trong những tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia lớn nhất thế giới có trụ sở tại Armonk, New York (Mỹ) với hơn 350.000 nhân viên phủ rộng tại 170 quốc gia trên thế giới.

Bùi Tiến Dũng sinh ra tại làng Trình Phố, An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình. Khi lớn lên, ông theo cha mẹ vào sống ở TP SàiGòn.Năm 17 tuổi, Bùi Tiến Dũng sang Mỹ du học và không ngại dấn thân trong mọi lĩnh vực.

Bản thân ông Dũng và các thành viên trong gia đình ông tuy xa quê hương đã lâu, nhưng vẫn luôn nhớ về cội nguồn của mình bằng cách duy trì nếp sống truyền thống của người Việt Nam như sinh hoạt ngày ba bữa cơm, không ăn thức ăn nhanh, không ăn bánh mì, trừ những dịp đặc biệt nào đó phải ra ngoài dùng bữa.

Ngày Tết cũng có bánh chưng xanh, những món ăn cổ truyền. Ông dẫn các con đi xông đất, mừng tuổi ông bà, người thân, lên chùa thắp hương. Những cái giỗ ông bà, tổ tiên cũng được ông duy trì đều đặn.

Jacquelyn Ngô – họa sĩ nhí thiên tài

image 
 
Cô bé Jacquelyn Ngô người Australia gốc Việt 6 tuổi, được thế giới biết đến là một thần đồng và là niềm hy vọng của thế giới hội họa, sau khi trổ tài trước báo giới trong gần 3 giờ.
Bé Jacquelyn Ngô đã bộc lộ năng khiếu hội họa từ khi mới 3 tuổi. Chỉ 3 năm sau, những bức tranh của Jacquelyn Ngô đã làm kinh ngạc giới hội họa bởi màu sắc và cái hồn trong những bức họa của cô bé.

Cũng như những đứa trẻ khác, Jacquelyn thích vẽ người, động vật và phong cảnh. Những tác phẩm được thực hiện với cái nhìn trực tiếp, hồn nhiên về cuộc sống như mở ra trong tâm trí người xem một thế giới tưởng tượng đầy ngọt ngào và bay bổng của trẻ em.

Đặc biệt, qua nhiều bức vẽ, Jacquelyn đã thể hiện sống động những hình ảnh của Việt Nam qua những tà áo dài, nhạc cụ truyền thống của dân tộc…
Jacquelyn Ngô thổ lộ, Vincent van Gogh là họa sĩ mà cô bé yêu thích nhất. Và bức tranh mà cô bé cảm thấy ấn tượng nhất là bức Hoa hướng dương cùng bức Phòng ngủ ở Arcles của danh họa Hà Lan này.

Điều đặc biệt là, Jacquelyn không đồng ý bán bất kỳ bức vẽ nào của mình, mặc dù được trả giá rất cao. Mẹ bé cho biết, cô bé rất yêu những bức vẽ của mình và muốn giữ nó làm kỷ niệm.

Tài năng của cô bé gốc Việt đã được công nhận qua những cuộc triển lãm tranh cá nhân tại Liverpool và Sydney. Sau thành công ban đầu của Jacquelyn, các nhà mỹ thuật quốc tế đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào những bước đi tiếp theo của thần đồng hội họa nhí gốc Việt này.
Nhiều chuyên gia tin rằng, trong tương lai, Jacquelyn có thể sẽ đoạt các giải thưởng hội họa lớn Archibald hay Moran của Úc.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng - cố vấn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama

image 
 
Ngày 7.10 vừa qua, Tổng thống Brack Obama đã chính thức bổ nhiệm tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng là một người Mỹ gốc Việt vào làm thành viên Ủy ban Cố vấn Tổng thống về Người Mỹ gốc Châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Tùng hiện đang giữ chức Giám đốc Dự án nâng cao sức khỏe cộng đồng người Việt và là Điều tra viên hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu và nâng cao nhận thức về ung thư cho cộng đồng người Mỹ gốc Á tại UCSF.

Ông cũng đang là Chủ tịch hội tình nguyện người Châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội ung thư Mỹ tại California.

Năm 2002, ông được trao giải thưởng Kiềm chế Phát triển bệnh ung thư của tổ chức American Cancer Society vì thành tích xuất sắc về điều trị và nghiên cứu của ông.

Nguyễn Thanh Tùng từng theo học tại trường trung học San Jose, năm 1982, tốt nghiệp thủ khoa với học bổng toàn phần của đại học Harvard. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Triết học tại Harvard, Nguyễn Thanh Tùng theo học ngành Y khoa tại đại học Stanford. Đỗ bằng bác sĩ, ông đã được đại học UC San Francisco mời làm chuyên gia nghiên cứu, điều trị và giảng dạy.
Được biết, vợ của bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng là bà Cao Lệ Huyền - một bác sĩ chuyên môn về bệnh truyền nhiễm. Gia đình bác sĩ Tùng có hai con trai và một con gái.

Eugene Trinh - người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ
 
 Trịnh Hữu Châu (tên tiếng Anh: Eugene Trinh; sinh năm 1950) là nhà vật lý thiên văn. Là người tham gia vào chuyến bay STS-50 của NASA, ông trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ vào ngày 25 tháng 6 năm 1992. Ông ở ngoài vũ trụ 13 ngày 19 giờ 30 phút.
 
Ông là con trai út trong gia đình kỹ sư Trịnh Ngọc Sang. Từ năm 1968, ông sang định cư tại Mỹ. Ông tốt nghiệp Đại học Columbia năm 1972, rồi sau đó nhận học bổng và hoàn thành luận án thạc sĩ vật lýtriết học trong hai năm 1974 và 1975. Hai năm sau (1977), ông tiếp tục nhận bằng tiến sĩ vật lý ứng dụng ở Đại học Yale.
Năm 1979, ông được nhận vào làm việc tại NASA tại phòng thí nghiệm về sức đẩy phản lực. Hiện tại, ông đang làm giám đốc bộ phận khoa học tự nhiên tại trụ sở của NASA ở thủ đô Washington, D.C..Cùng với phi hành đoàn tàu Columbia STS-50, ông đã tiến hành các thí nghiệm về động lực học chất lỏng, kỹ thuật điều khiển chất lỏng trong điều kiện không bình chứa ở trên quỹ đạo trong thời gian gần 14 ngày (từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm 1992).Trong một buổi thuyết trình, khi được hỏi là ông đã nhìn thấy gì khi ở trên quỹ đạo. Trịnh Hữu Châu đã trả lời rằng: "Đó là Việt Nam! Tôi đã nhìn thấy quê hương tôi. Nó mới hiền hòa làm sao!"
 
 

Trần Đình Trường - Tỷ phú Việt tại Mỹ
 
Ông Trần Đình Trường (SN 1932 tại Hà Tĩnh), sau di cư vào Nam. Trước năm 1975 tại Sài Gòn, ông hoạt động trong nghề vận tải đường biển và là chủ nhân hãng Vishipco Line với đoàn tàu Trường Xuân, Trường Thanh, Bông Hồng 9, Sao Mai, Patrick, Trường Vinh, Trường Hải và tàu Trường Sinh.Là doanh nhân gốc Việt tại Hoa Kỳ, là chủ nhân của nhiều khách sạn lớn tại New York, trong đó có khách sạn Carter ngay tại trung tâm quảng trường Thời đại. Giá trị tài sản ước tính của gia đình ông lên tới một tỷ USD.
Trước khi trở thành tỷ phú người Việt tại Mỹ, ông Trường đã có thời gian dài kinh doanh trong lĩnh vực vận tải biển. Ông là chủ nhân của đội tàu, bao gồm tàu Trường Xuân, Trường Thanh, Bông Hồng 9, Sao Mai, Patrick, Trường Vinh, Trường Hải và Trường Sinh. Sau đó, ông chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khách sạn, bắt đầu từ chuỗi 3 khách sạn là Opera, Carter và Lafayette ở New York.
Tỷ phú này cũng là một trong số những người thường xuyên có đóng góp từ thiện và giúp đỡ người Việt trên đất Mỹ. Năm 2004 ông được vinh danh và được trao giải Đuốc Vàng ở Washington DC. Ông đang cho xây dựng trung tâm thương mại Việt Nam ở Philadelphia với hàng trăm văn phòng và cửa tiệm, nhưng dự án chưa hoàn thành thì ông đã mất vào tháng 5/2012.

Tỷ phú Chính Chu

Năm 1975, cha và mẹ của Chinh E.Chu sang Mỹ cùng 6 người con, với vốn liếng chỉ vài trăm USD. Giờ đây, ông đã là Giám đốc Quản trị Tài sản của Tập đoàn Blackstone, với những khoản đầu tư từ 250 triệu đến 1,5 tỷ USD. Ở tuổi 44, ông Chính Chu có tổng tài sản hơn 1 tỉ USD. Giới kinh doanh người Việt sống tại Mỹ đánh giá ông là người thành công nổi bật nhất trong cộng đồng. Phất lên từ phố Wall
Năm 2005, tập đoàn tài chính tư nhân Mỹ, Blackstone, đã mua tập đoàn hóa chất Celanese với tổng trị giá 3,8 tỉ USD. Người “đạo diễn” thành công vụ mua bán này là Chính Chu (Chinh E.Chu), một tỉ phú người Mỹ gốc Việt.
Chính Chu kể, khi còn đi học, ông không bao giờ nghĩ mình có thể tham gia vào lĩnh vực tài chính ở Phố Wall. Đối với ông, bước chân vào Phố Wall phải là những cá nhân xuất sắc, được đào tạo căn bản về quản trị tài chính trong những trường đại học tên tuổi như Harvard, Yale…”Tôi không có được may mắn đó. Tôi đã học tại một trường đại học của Nhà nước, Buffalo ở New York”, ông tâm sự.
Cũng chính vì điều này mà ông gặp không ít khó khăn khi xin việc. “Tôi nộp 15 bộ hồ sơ xin việc vào các công ty ở Phố Wall và nhận được 15 thư từ chối rất lịch sự”, ông nhớ lại. Tuy nhiên, chính sự khó khăn này càng thúc đẩy ông quyết tâm theo đuổi nghề. “Nó khiến tôi thấy hứng thú hơn - Ông nói và kết luận - Trong cuộc sống, bạn cần có tính kiên trì để đạt được mục tiêu của mình”.
Và chính những cơ hội trong cuộc đời đã đưa ông tiếp cận lĩnh vực này. Tuy nhiên, đối với Chính Chu, cơ hội thôi là chưa đủ. “ Chu có khả năng phân tích sâu sắc và nhạy bén về tài chính, lĩnh vực mà để thành công, đòi hỏi phải là người giỏi, có tài nổi trội”, James Barlett, Tập đoàn Teletech, nhận xét thêm.
Năm 2008, Chính Chu đã mua căn hộ tầng 89 và một nửa tầng 90 của toàn tháp TrumpWorldTower với giá 34,5 triệu USD. Không những vậy ông còn chi thêm 5 triệu USD để mua phần không gian trên nóc tòa tháp Bất động sản đó của ông Chu gồm 34 phòng, với 12 phòng ngủ, và 16 phòng tắm. Đây là tòa tháp nổi tiếng của tỷ phú bất động sản Donald Trump vì khách hàng của các căn hộ đều là những nhân vật giàu có, tiếng tăm.Thương vụ này khiến cho tên tuổi Chính Chu thêm nổi tiếng mặc dù ông là người không hề thích khoa trương.
Bí quyết thành công
Giới kinh doanh người Việt sống tại Mỹ đánh giá ông là người thành công nổi bật nhất trong cộng đồng. Nhưng điều ít ai biết là năm 1975, cha và mẹ của Chính Chu sang Mỹ cùng 6 người con, với vốn liếng chỉ vài trăm USD. Cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng cả gia đình đều quyết tâm là phải nỗ lực để thành công.
Vừa đi học, Chính Chu vừa đi bán sách lẻ giao đến tận nhà. Nhờ trải nghiệm đó cùng những thành công của ngày hôm nay, ông cho mình là người may mắn và ông không quên những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn xung quanh mình. Gia đình ông hiện có 2 quỹ từ thiện: Vietnam Relief Effort và Ha Phuong Foundation.





Quỹ Vietnam Relief Effort do ông và một người chị tên Kathy Chu lập nên. Từ ngày thành lập đến nay, Quỹ chuyên xây trường, cấp học bổng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nghèo ở nông thôn Việt Nam. Quỹ từ thiện thứ hai do vợ ông thành lập. Vợ ông nói, quỹ này nhằm giúp những người nghèo khổ, người có năng khiếu nghệ thuật nhưng không có cơ hội và điều kiện tài chính để thực hiện ước mơ của họ.
Bận rộn trong công việc kinh doanh, nhưng với những hoạt động từ thiện, Chính Chu luôn cùng người vợ của mình chủ động tổ chức và điều hành. Vợ của ông là nữ ca sĩ Hà Phương (em út trong 3 chị em nổi tiếng làng ca nhạc trong nước và hải ngoại: Cẩm Ly, Minh Tuyết, Hà Phương).
Nói về người vợ của mình, Chính Chu cho biết, ông gặp Hà Phương khi vốn tiếng Việt của ông rất tệ, nên không thể hiểu được những gì cô ấy hát. Không phải vì yêu tiếng hát mà chính phẩm chất luôn giúp đỡ và chia sẻ với người khác của chị đã khiến ông rung động. “Làm việc và giúp đỡ người khác, đó là niềm đam mê và điểm chung khiến chúng tôi gặp nhau”, ông nói.
Về sự thành công của bản thân, ông cho biết, gia đình, cha mẹ chính là nền tảng giúp ông đạt được như ngày hôm nay. “Chúng tôi phải cảm ơn thế hệ đi trước là những người ca người mẹ, đã đến xứ người và nổ lực để thành công. Sự thành công của họ quan trọng hơn thành công của chúng tôi. Bởi họ đã mở ra con đường giúp chúng tôi, những người đi sau, dễ dàng hơn trên đường đi tới”, Chính Chu bày tỏ.
Khi nhận xét về người Việt Nam, ông cho biết, người Việt Nam có 3 đức tính đáng quý: chăm chỉ, nỗ lực và hy sinh. “Đó là 3 đức tính đã giúp tôi có được thành công ngày hôm nay”, ông kết luận. Đối với Chính Chu, sự thành công của thế hệ trước quan trọng hơn sự thành công của thế hệ ông. Họ đã mở cánh cửa để con đường đến thành công của ông được dễ dàng hơn.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Cửa hàng " Sự Thật "




Tôi khó tin vào mắt của mình khi thấy tên của một cửa hàng: CỬA HÀNG SỰ THẬT. Ở đây, người ta bán sự thật . 
Cô bán hàng rất lịch sự; hỏi tôi muốn mua loại sự thật nào: Sự thật toàn thể? Sự thật từng phần ?
Dĩ nhiên là sự thật toàn thể rồi. Đừng có lừa bịp, đừng tránh né, đừng lý lẽ với tôi. Tôi muốn sự thật thuần khiết, rõ ràng và toàn vẹn. Cô ta chỉ cho tôi sang một quầy khác, nơi người ta bán sự thật toàn thể.

Anh bán hàng ở quầy này chỉ cho tôi thấy bảng giá.
- Thưa ông, giá cả món hàng này rất cao.

- Bao nhiêu vậy ?

Tôi hỏi anh khi quyết định có được sự thật toàn thể bằng mọi giá. Anh ta trả lời:

- Nếu ông lấy cái này, ông sẽ phải trả bằng sự mất tất cả niềm yên tĩnh trong phần đời còn lại của ông .

Tôi rời khỏi cửa hàng, đầy buồn bã. Tôi vẫn còn tìm kiếm chiếc ô dù cho những tin tưởng không khoan nhượng của mình .


Nguồn bài viết: http://m21love.blogspot.com/

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

EM VÀ ĐÊM







Em buông nỗi buồn vào đêm

Phủ chụp vào anh bóng tối ngập tràn nỗi nhớ

Giọt nước mắt em rơi vào đêm sóng sánh

Cháy cả tim anh rát bỏng nỗi đau



Em gieo nụ cười vào đêm

Băng giá lòng anh như tan chảy

Em thét vào đêm nỗi sợ hãi

Cơn thịnh nộ chiến tranh nơi anh bừng cháy






Em rót vào đêm lời chia tay

Ngày trong anh tàn lụi và đêm mãi say

Men đắng cay

Nào phôi phai


Còn đâu

Mưa ngâu tháng bảy

Nhịp cầu

Hai đầu thương nhớ

Em và đêm

BA ĐÓA HOA HỒNG








Sợ duyên chưa bén vội tàn
Nên nào dám nhận đóa hồng anh trao
Sắc hương em sớm nhạt màu
Nên đành trả lại lẳng hồng cho anh
Trầu cau phải đặng vôi lành
Khuê phòng khép lại đợi chờ nao nao
Mong ai mở cửa động đào
Hồng hoa ba đóa bước vào vườn xuân

TẠ TỘI



Thắp nén nhang
Trước mộ cha già
Lòng nghe tủi hổ
Khóc mình mà chi.
Tấm thân ba thướt làm gì
Vai mang nghiệp dĩ chưa đi vội về
Lỡ làng...
Duyên nợ phu thê
Trách ai
Ai trách?
Câu thề ngày xưa
Nén nhang trước mộ cha già
Cuối đầu tạ tội cũng là ...hư không

THƠ VIẾT CHO NGƯỜI LÀM BÁO






Mỗi khi anh ngồi vào bàn viết
Trước mặt anh là trách nhiệm, là lương tâm
Nên khi viết mực in trên giấy trắng
Là máu anh rơi vì chân lý đấu tranh.
Có những lúc đời sống quẫn quanh
Nhà dột không tiền mưa ướt át
Con thơ bụng đói khóc u oa
Một bài đổi gạo viết không ra!


Thế mà ,

Nghe dân kêu ca
Anh lại thiết tha dãi dầu mưa nắng
Trên chiếc xe đạp cọc ca cọc cạch

Như con ong xây tàng lẽ phải
Bài đăng xong
Anh thở phào chợt nhớ cái đói cơm rau.


Lúc vui buồn bè bạn gặp nhau

Một xị đế cay 
Một con khô gộc
Một xị đế cay 
Không nhà hàng bia lon gái guốc
Chỉ có quán cóc lđường đuống say 
Với nụ cười thân ái ...
 

Hãy giữ lấy anh ơi giữ lấy
Có ai nghèo ba đời sang ba họ đâu anh...

Hạnh phúc tìm nơi đâu?



Bạn sống trên đời này để làm gì?
- Nếu có ai đó hỏi bạn như thế bạn sẽ trả lời như thế nào? - Tìm hạnh phúc!

Sở dĩ người ta đau khổ bởi vì người ta luôn đi tìm sự thoả mãn với bản thân, nói một cách khác, người ta đi tìm hạnh phúc cho chính mình.
Có hai thứ hạnh phúc, dĩ nhiên là có những thứ ở mức độ khác nữa, nhưng không đáng kể lắm. Theo tôi, có thể gọi hai thứ hạnh phúc đó là Chất phác và phong nhã, thú tính và tinh thần, hoặc cảm xúc và trí tuệ. Trong ba cặp danh từ đó bạn có thể lựa cặp nào tuỳ thuyết bạn muốn bênh vực. Lúc này tôi cũng không muốn chứng minh một thuyết nào cả, chỉ muốn miêu tả thôi. Có lẽ, cách giản đơn nhất để miêu tả sự khác biệt giữa hai thứ hạnh phúc đó là nói rằng một thứ, người nào cũng có thể đạt được, còn thứ kia chỉ những người biết đọc biết viết mới có được.

 

Tôi là một người làm vườn, đã từng như vậy, bây giờ cũng vậy. Tôi không ưa cỏ, rác, đám sâu ngày đêm tìm cách ăn mòn những luống rau, chậu hoa tôi trồng. Tôi gọi nó là kẻ thù, những kẻ thù ám muội. Muốn trị chúng thì phải "thông minh"hơn chúng, mưu mô hơn chúng thì mới được. Tôi tìm và diệt mà không hề e ngại rằng một ngày nào đó chúng bị tiệt chủng. Chúng giống như những con vật trong thần thoại mà tôi biết, ngày ngày tôi giết, nhưng sáng hôm sau lại thấy chúng nhởn nhơ vui vẻ ăn những khóm hoa xanh tươi. Bây giờ công ăn việc làm của tôi cũng không thiếu, nhưng tôi vẫn thích trồng rau, trồng hoa, dường như đó là niềm vui đó là bất tận và hạnh phúc đó, chính những "con sâu, cây cỏ đê tiện" đã tặng cho tôi.
Bạn nói những cái vui giản dị, chất phác đó, người thượng lưu làm sao mà có được. Diệt những con vật nhỏ bé như loài sâu thì vui cái nỗi gì? Theo tôi, lý lẽ đó không vững. Một con sâu lớn hơn nhiều so với con vi trùng sốt rét nhiều chứ, vậy mà một người thượng lưu có thể thấy hạnh phúc trong việc diệt vi trùng sốt rét đấy.

Có những niềm vui y hệt thú vui của tôi khi làm vườn, về phương diện cảm xúc, những người có văn hoá cao cũng cảm nhận được. Được giáo dục cao hay thấp thì hoạt động khác nhau thế thôi. Muốn thấy được cái vui hoàn thành một công việc thì công việc đó phải khó khăn tới nỗi tưởng chừng như không thể thành công được, rồi lại thành công. Có lẽ một phần lớn vì vậy mà sự tự xét tài năng của mình cho đúng là điều kiện cần thiết cho hạnh phúc. Người nào tự đánh giá thấp tài năng của mình thì luôn ngạc nhiên khi thành công, còn người nào tự tin quá thì thường ngạc nhiên khi thất bại. Ngạc nhiên thứ nhất thích thú, còn ngạc nhiên thứ hai thì không. Cho nên muốn thành công đừng nên tự cao quá, cũng đừng nên hạ thấp mình quá.




Nghệ sĩ, nhà văn và nhà khoa học - Ai hạnh phúc hơn?
Trong giới trí thức của xã hội chúng ta, giới khoa học là những người hạnh phúc nhất. Nhiều nhà bác học đại tài có một đời sống tình cảm rất giản dị, rất thoả mãn về công việc của họ tới nỗi cho rằng việc ăn uống là một cái thú, cả cái việc cưới vợ cũng vậy nữa. Những nghệ sĩ và nhà văn cho rằng hôn nhân nhất định gây khổ, các nhà khoa học trái lại vẫn có thể cảm nhận được cái hạnh phúc trong gia đình mà người ta cho là lỗi thời.

Nguyên do là tinh thần của họ tập trung hết vào công việc rồi, không thể len lỏi vào những khu vực khác được nữa. Họ sung sướng khi làm việc, vì trong thế giới hiện đại, khoa học mỗi ngày một tiến bộ và mạnh không ai nghi ngờ sự quan trọng của khoa học cả, họ thì đã đành mà cả những người thường cũng vậy. Do đó, họ không cần có những cảm xúc rắc rối, vì những xúc cảm bình dị hơn không gặp sức cản trở nào cả. Những cảm xúc rắc rối cũng giống như bọt trên dòng sông. Dòng nước có gặp cái gì ngăn cản, không chảy đều đều nữa mới dội lại mà nổi bọt. Khi không bị ngăn cản thì dòng sinh lực cứ phẳng lặng trôi mà người nhận xét nông nổi không thấy được sức mạnh thật sự của nó.

Đời một nhà khoa học có đủ điều kiện để hạnh phúc. Họ có một hoạt động khả dĩ dùng được hết tài năng của họ. Họ đạt những kết quả mà chẳng riêng gì họ, ngay cả đại chúng cũng thấy là quan trọng, cả những khi đại chúng không biết giá trị thực sự của các kết quả đó ra sao. Về điểm đó, nhà khoa học may mắn hơn nghệ sĩ. Khi người ta không hiểu được một bức hoạ hoặc một bài thơ, người ta kết luận rằng bức hoạ đó hoặc bài thơ đó dở. Nhưng khi người ta không hiểu được thuyết tương đối của Einstein, người ta kết luận (đúng) rằng sự học của mình không đến nơi đến chốn. Do đó, Einstein được quý mến còn những hoạ sĩ tài nhất thì chết đói trong những căn gác ở sát mái nhà. Einstein sướng còn các hoạ sĩ khổ.

Nếu không thể tự giam mình trong một đoàn thể nào đó mà quên đi sự thờ ơ của thế giới bên ngoài đối với mình, thì rất ít người biết được cái hạnh phúc thực sự vì luôn luôn phải đem nghị lực ra chống lại sự hoài nghi của nhân loại. Nhà khoa học không cần vào trong một đoàn thể nào cả vì được mọi người quý mến rồi, trừ các bạn đồng liêu của họ. Nghệ sĩ, trái lại, ở trong một tình trạng khó chịu là phải lựa chọn; hoặc chịu sự khinh bỉ của người khác, hoặc có một thái độ ti tiện. Nếu tài năng của họ rõ rệt, họ phải chịu một trong hai cái bất hạnh đó; dùng tài năng thì bị khinh bỉ, không dùng (mà chiều đời) thành ra hèn mọn.

Hạnh phúc nơi các bạn trẻ

Rất nhiều thanh niên nam nữ có học thức bậc nhất ở phương Tây có tình thần trâng tráo, bất chấp đời là vì họ có nhiều tiện nghi quá mà lại thấy công việc của mình không hiệu quả. Sự không hiệu quả đó cho người ta cái cảm giác rằng không có gì đáng làm khi mà cuộc sống đầy đủ tiện nghi đã làm cho cái cảm giác đó trở nên khó chịu. Ở phương Đông sinh viên xứ nào cũng có thể hy vọng ảnh hưởng tới dư luận được nhiều hơn là sinh viên ở các nước tân tiến phương Tây, nhưng họ lại ít có cơ hội kiếm được một lợi tức cao hơn như ở phương Tây.

Có khả năng tác động đấy, nhưng không tác động được về phương diện tiện nghi vật chất, nên họ thành nhà cải cách hoặc nhà cách mạng, chứ không trâng tráo, bất cần đời. Nhà cải cách hoặc nhà cách mạng có hạnh phúc hay không thì còn tuỳ vào sự biến chuyển của thể chế chính trị, xã hội trong nước; ngay cả khi họ bị xử tử thì họ cũng hạnh phúc hơn một kẻ trâng tráo, bất cần đời được hưởng đầy đủ tiện nghi.

Hạnh phúc, ai cũng có thể có được

Không phải chỉ các nhà khoa học đại tài là được hưởng cái thú vui trong khi làm việc; cũng không phải chỉ các chính khách có thế lực là thấy vui khi bênh vực một chính sách. Ai cũng có thể hưởng cái vui làm việc miễn là trong công việc có thể tỏ một chút tài năng nào đó mà chẳng cần được mọi người phải thừa nhận tài năng của mình.

Tôi biết có một người hồi còn trẻ lắm đã bị liệt hai chân, mà ông ta bình tĩnh, vui vẻ suốt một cuộc đời dài, được vậy là nhờ ông ta viết một bộ năm cuốn về màu sắc các loài Hồng, trở thành một chuyên gia hạng nhất về vấn đề đó. Tôi không được biết nhiều người nghiên cứu về vỏ sò, nhưng những người tôi biết đều thoả mãn về công việc của họ.

Người ta thường nói trong cái thời đại máy móc này, một người thợ chuyên môn ít được hưởng cái hạnh phúc làm việc như hồi xưa nữa. Tôi không hoàn toàn tin rằng điều đó là đúng: Phải, ngày nay người thợ chuyên môn làm những công việc tiểu công nghệ trong các phường tiểu thủ công nghiệp, nhưng vẫn còn giữ một địa vị rất quan trọng, rất cần thiết trong ngành sản xuất.

Theo nhận xét của tôi, người nông dân không hạnh phúc bằng người tài xế hoặc một người thợ máy. Đành rằng công việc của một nông dân thay đổi tuỳ theo mùa: cày, gieo, gặt. Nhưng lại phải tuỳ thuộc vào thời tiết, mưa nắng, còn người thợ máy làm chủ được công việc của mình chứ không phải lệ thuộc vào sức mạnh thiên nhiên. Dĩ nhiên công việc của người thợ máy chỉ ngồi coi máy chạy, làm hoài thì công việc trở nên đơn điệu, không có thay đổi, công việc đó quả là chán, nhưng một công việc càng đơn điệu lại càng dễ dùng máy để thay người được. Mục tiêu của sản xuất bằng máy móc còn lâu chúng ta mới đạt được, thà làm cho mọi công việc trở nên đơn điệu có thể làm bằng máy hết và con người sẽ chỉ còn làm những công việc gì thay đổi, cần có sáng kiến.

Trong một xã hội như vậy, sự làm việc sẽ bớt buồn tẻ, bớt làm suy nhược con người hơn trong thời đại nông nghiệp. Khi chuyên về nông nghiệp, nhân loại đã quyết tâm chịu một cuộc đời đơn điệu, buồn tẻ để giảm đi cái nạn thiếu ăn, đói kém. Trước thời đó, khi còn săn bắn để kiếm ăn, sự làm việc là một thú vui, cho nên bọn giàu có ngày nay vẫn giữ công việc của tổ tiên đó làm trò tiêu khiển. Nhưng khi chuyển qua nông nghiệp, loài người lại bước vào một giai đoạn nhỏ nhen, nghèo khổ, điên khùng, mà bây giờ nhờ máy móc, mới bắt đầu thoát ra được.

Tin tưởng ở một chính nghĩa nào đó cũng là một nguồn hạnh phúc cho nhiều người. Tôi không nghĩ riêng tới các nhà cách mạng, các nhà theo xã hội chủ nghĩa, quốc gia chủ nghĩa,...Tôi còn nghĩ đến cả những sự tin tưởng tầm thường hơn... Tôi không thể đề nghị với bạn một hạnh phúc xây trên sự tin tưởng mà tôi cho là lầm lẫn. Cũng do lẽ đó, tôi không khuyến khích bạn tin rằng mọi người đều ăn cơm mà sống được, mặc dù theo chỗ tôi nhận xét, tin như vậy thì nhất định là có hạnh phúc hoàn toàn.




 

Hạnh phúc "căn bản"
Trong nhiều trường hợp, có lẽ trong đa số các trường hợp nữa, những trò tiêu khiển đam mê không phải là một nguồn hạnh phúc căn bản mà chỉ là một cách trốn thực tại, tạm quên đi một lát nỗi đau khổ trong lòng. Hạnh phúc căn bản tuỳ thuộc vào cái mà tôi có thể gọi là thiện cảm với người và vật.

Có thiện cảm với người khác là có tình thân ái. Nhưng có hai thứ thân ái. Thân ái mà muốn người khác luôn thuộc về mình, đền đáp tấm lòng mình quá mức, thân ái đó thường ngăn cản hạnh phúc.Thân ái mà nhận xét người khác, thấy họ có cá tính riêng mà mình lấy làm vui, để cho họ tự do tìm vui thích của họ, không muốn họ phải theo ý mình, phải nhiệt liệt ngưỡng mộ mình, thứ thân ái này mới đưa tới hạnh phúc. Người nào có thái độ như vậy thì là một nguồn hạnh phúc cho người khác và được người khác đến đáp lại tử tế, không bị lòng bạc bẽo làm cho chua chát, vì ít khi gặp sự bạc bẽo lắm, nếu có gặp thì cũng chẳng để ý tới.

Thấy người khác có những nét đặc biệt nào nho nhỏ, thì chẳng những không bực mình mà còn vui vẻ tha thứ, lấy vậy làm ngộ nghỉnh. Nhưng thái độ phải thành thực, chứ không miễn cưỡng, coi hành động của mình là một sự hy sinh vì bổn phận. Trong khi làm việc, có ý thức về bổn phận là điều tốt, nhưng trong sự giao tiếp, ý thức đó làm cho người khác mất lòng. Thiện hạ muốn được yêu chứ không được miễn cưỡng chấp nhận, kiên nhẫn chịu đựng. Có lẽ không nguồn hạnh phúc nào lớn bằng yêu nhiều người một cách tự nhiên mà không phải gắng sức.

Ở trên, tôi nói tới sự thiện cảm với vật. Câu đó có thể làm bạn hoài nghi: làm sao mà có thái độ thân ái với đồ vật được? Nhưng thái độ của một nhà địa chất chăm sóc các cục đá, hoặc một nhà khảo cổ chăm sóc các phế tích quả là có chút gì giống với tình thân ái.

Có thể chú ý tới vật vì ghét nó chứ không phải thích nó, chẳng hạn một người thu thập các sự kiện về các ổ nhện vì ghét loài nhện, và muốn ở chỗ nào cũng không có loài đó. Chú ý như vậy không gây thích thú cho ta, như sự chú ý tới đá gây thích thú cho nhà địa chất.

Sự chú ý tới vật, có lẽ không tạo hạnh phúc cho ta bằng sự chú ý tới người khác, nhưng cũng là một yếu tố rất quan trọng. Thế giới rất mênh mông mà khả năng của con người là hạn chế. Nếu toàn thể hạnh phúc của bạn chỉ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh riêng của bạn thôi thì bạn khó mà không đòi hỏi ở đời quá nhiều. Mà đòi hỏi quá nhiều là cách chắc chắn nhất để nhận được quá ít. Người nào có thể quên những nỗi lo lắng nhờ thực tâm chú ý tới một cái gì đó, chẳng hạn tới một thời đại lịch sử hoặc sự tạo thành của các ngôi sao, thì sau khi nghiên cứu những cái đó rồi sẽ nhận thấy tâm hồn mình quân bình, bình tĩnh lại, có thể chống với các ưu phiền khác, mà trong khi nghiên cứu, cũng đã được hưởng một hạnh phúc thực sự, mặc dù đó chỉ làm tạm thời.

Đây là một bí quyết của hạnh phúc: chú ý tới nhiều người và nhiều vật hơn lên, ráng làm sao cho những phản ứng của bạn đối với những người và vật đó tăng phần thiện cảm lên, giảm phần ác cảm càng nhiều càng tốt.

Hạnh phúc là những điều giản dị đã và đang hiện hữu xung quanh bạn. Hãy mở to mắt, vểnh tai lên mà lắng nghe, đưa mũi ra mà hưởng thụ hương sắc của cuộc sống với các hương vị đa dạng phong phú của muôn loài. Tất cả đều trong tầm tay của bạn. Vấn đề là bạn có nắm bắt được hay không hay là để mọi thứ qua đi trong vô thức. Tất cả tuỳ thuộc vào bạn.


                                                                                                                                             M21Love